Xu hướng chiến lược năm 2021: Tiếp cận hai chiều và sẵn sàng chấp nhận thất bại

23 Thg 12

Nhiều viễn cảnh tươi sáng hơn đang được kỳ vọng trong năm 2021. Marketing Week vừa đưa ra những nhận định mới về cơ hội và thách thức chính sẽ hình thành nên cách thức làm việc mới của các nhà tiếp thị. Trước hết, chiến lược tiếp cận hai chiều và sẵn sàng chấp nhận thất bại là điều mà các marketers nên áp dụng để định hướng tốt hơn trong năm tới.

Chiến lược tiếp cận hai chiều

Năm 2020 dạy cho chúng ta một điều rằng, bất kể kế hoạch được xây dựng chặt chẽ thế nào, mục tiêu rõ ràng ra sao thì vẫn có nguy cơ bị loại bỏ bởi điều kiện môi trường bên ngoài thay đổi.

Chiến lược tiếp cận hai chiều trở thành xu hướng năm 2021. Ảnh: Thedrum

Covid-19 là một ví dụ điển hình cho điều đó, sự không chắc chắn có vẻ sẽ trở thành hiện thực kinh tế không thể tránh khỏi. Từ các sự kiện chính trị như Brexit hay bầu cử Mỹ, đến khủng hoảng môi trường, dịch bệnh và tác động của kỹ thuật số. Và các nhà tiếp thị nên xác định rõ ràng rằng, sự không chắc chắn sẽ là một phần của bình thường mới.

Với suy nghĩ đó, điều quan trọng là phải tìm cách tiếp cận hai chiều cho chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn,mục tiêu để hướng tới và có mục đích để phấn đấu.

Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến quy trình đổi mới, cách doanh nghiệp suy nghĩ về trải nghiệm khách hàng và giao tiếp với khách hàng.

Nhưng trong kế hoạch dài hạn đó vẫn phải có khoảng trống để doanh nghiệp thích nghi nhanh chóng với những gián đoạn ngắn hạn này. Với những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm nay, ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất cũng có thể điều chỉnh hướng đi một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vừa tập trung vào tầm nhìn ngắn hạn (tức là ưu tiên cho lợi nhuận trước mắt, thực hiện nhanh chóng các dự án, mà ít chú ý đến chiến lược, các nguyên tắc cơ bản và tạo ra giá trị dài hạn) vừa chú ý đến bức tranh toàn cảnh sẽ là hướng chiến lược chủ đạo trong năm tới.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: BBC

Điều này không chỉ giúp gia tăng hiểu biết về khách hàng mà còn giúp thương hiệu nhận ra được điều gì đang tác động và thúc đẩy đến họ trong vài tháng hay vài năm tới. Nhiều người đã nói về cách Covid-19 thay đổi mọi thứ, điều này có thể không hoàn toàn đúng. Nhưng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng là điều không thể bàn cãi bất kể trong trạng thái bình thường cũ hay mới.

Thách thức là phải loại bỏ và tách biệt được đâu là những thay đổi nhất thời bị tác động bởi ngoại cảnh và đâu là những thay đổi hành vi sâu sắc kéo dài. Liệu rằng, chúng ta sẽ dành hết thời gian để làm việc tại nhà mãi mãi không? Điều này là không có khả năng. Nhưng chắc chắn, trong tương lai, công việc sẽ trở nên linh hoạt và tách biệt hơn.

Hiểu rõ những điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư đúng đắn để sẵn sàng cho những thay đổi đó.

Sẵn sàng chấp nhận thất bại

Từ lâu, thất bại đã được coi là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong kinh doanh. Tâm lý này là biểu hiện của một nền văn hóa làm việc nơi những sáng kiến, chiến dịch và dịch vụ mới là sản phẩm của việc lập kế hoạch hàng tháng, thậm chí là hàng năm. Các doanh nghiệp thường kỳ vọng nhiều đến mức bất cứ thứ gì được đánh giá là kém hơn so với mong muốn đều được coi là một vấn đề nghiêm trọng.

Trong năm 2020, tư duy này đã thay đổi. Tất cả những kế hoạch tốt nhất được đặt ra đều bị gác lại khi các doanh nghiệp đang phải thay đổi để tồn tại trong một vài ngày, chứ chưa nói đến vài tháng. Khi các thương hiệu bắt đầu thay đổi với tốc độ nhanh hơn và phá bỏ một số quy tắc, thủ tục hành chính cứng nhắc, họ nhận ra rằng khi đối mặt với khủng hoảng, không nhất thiết phải cố gắng để trở nên hoàn hảo mà điều quan trọng hơn cả là phải tồn tại được.

Chấp nhận thất bại để thành công. Ảnh: Thedrum

Không phụ thuộc quá mức vào mục tiêu tìm kiếm sự hoàn hảo sẽ là điều quan trọng đối với các nhà tiếp thị vào năm 2021. Nếu các thương hiệu muốn phát triển với tốc độ nhanh nhất, họ phải chấp nhận thực tế rằng biến cố, khủng hoảng luôn hiện hữu tại mọi quốc gia nào và bất kỳ sai lầm nào cũng là cơ hội để học hỏi.

Vì dụ, mới đây, Mars Petcare - nhà sản xuất bánh kẹo, thức ăn và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho thú cưng hàng đầu của Mỹ cho biết, công ty sẽ tập trung vào việc “nhanh nhẹn hơn, mượt mà hơn, thông minh hơn” thay vì bận tâm đến sự hoàn hảo. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước đây, Mars Petcare đã cho ra mắt trang web mua sắm trực tuyến đến người tiêu dùng, dành riêng cho nhãn hiệu thức ăn tự nhiên chó mèo James Wellbeloved trong thời gian giãn cách xã hội vào mùa xuân. Mặc dù công nghệ còn đơn giản nhưng trang web đã hoạt động tốt và luôn thực hiện đánh giá hàng tháng để cải tiến.

Mars Petcare ra mắt trang thương mại điện tử của riêng mình. Ảnh: eBay

Thực tế là nhiều thương hiệu đang áp dụng các hình thức làm việc linh hoạt hơn, có nghĩa là các nhà tiếp thị sẽ phải làm quen với việc thường xuyên xem xét để đánh giá tiến độ. Thành công của những ''cuộc họp tổng kết, rút kinh nghiệm'' này đến từ việc nhìn nhận thất bại theo một cách tích cực, bởi vì, như giám đốc danh mục đầu tư tiếp thị của Mars Petcare, Arthur Renault giải thích, nếu bạn định hình những điều đã xảy ra dưới "góc độ trừng phạt", mọi người sẽ luôn né tránh rủi ro.

Một cách tiếp cận tương tự cũng đã được áp dụng với gã khổng lồ gọi xe công nghệ Uber. Phát biểu tại Festival of Marketing vào tháng 10, Giám đốc toàn cầu về tiếp thị thương hiệu và sản phẩm - Meg Donovan, nhấn mạnh rằng công việc của một nhà tiếp thị không bao giờ thực sự “xong”, vì họ luôn có cơ hội để “tạo ra sản phẩm tốt hơn hoặc xây dựng thương hiệu tốt hơn”.

Donovan là một người ủng hộ nhiệt tình cho quan điểm "phù hợp tốt hơn là hoàn hảo" và ông cảm thấy thoải mái hơn khi không đưa ra một chiến dịch hoặc sản phẩm quá “hoàn hảo”. Cải tiến liên tục và tăng lợi nhuận biên là con đường tốt nhất để đi.

Các nhà tiếp thị có thể giảm rủi ro cho nỗ lực của họ và chấp nhận thất bại bắt đầu từ quy mô nhỏ. Chẳng hạn, cách tiếp cận này đang mang lại hiệu quả cho công ty dược phẩm GSK, công ty này đã khởi động cách tiếp cận nhanh nhẹn của mình với các dự án nhỏ và đã chứng minh thành công của họ trước khi mở rộng quy mô lớn hơn. Về cơ bản, quy mô càng nhỏ, rủi ro càng thấp, thất bại sẽ ít gây thiệt hại hơn cho doanh nghiệp.

Thất bại được coi là cơ hội để trở nên tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, các thương hiệu đã cởi bỏ xiềng xích, giải phóng khỏi sự “áp bức” của đại dịch để đến gần hơn với người tiêu dùng và thử những điều mới mà họ chưa từng nghĩ tới trước đây để phục vụ nhu cầu trước mắt của họ.

Không phải mọi kế hoạch đều thành công, nhưng bằng cách bắt đầu với quy mô nhỏ và phát triển nhanh chóng, nhiều công ty đã đạt được những điều mà họ không nghĩ là có thể vào năm 2020. Chìa khóa để duy trì động lực này vào năm 2021 là hiểu rằng chấp nhận thất bại chính là sức mạnh.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: Mạng xã hội được dự đoán sẽ trở nên hoàn thiện hơn nữa đối với trải nghiệm người dùng trong năm 2021

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.