Xu hướng nổi bật ngành F&B Việt Nam năm 2021

11 Thg 08

Trong 3-5 năm tới, bối cảnh văn hóa và thị trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Covid-19, tình hình quốc tế, thay đổi lối sống,... từ đó dẫn đến những biến động nhanh chóng và phức tạp hơn.

Để đạt được tăng trưởng bền vững trong môi trường khó lường này, các doanh nghiệp cần phải theo dõi xu hướng hành vi của người tiêu dùng để đưa ra các quyết định kinh doanh một cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Đặc biệt đối với ngành chịu tác động mạnh mẽ bởi hành vi của người tiêu dùng như F&B.

Nhu cầu lý tưởng của người tiêu dùng trong một thế giới “bình thường mới”

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã phá vỡ toàn cảnh thị trường F&B, nhưng một số nhu cầu cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó, ba nhu cầu cốt lõi là an toàn, chất lượng và dễ sử dụng - không thay đổi so với vài năm trước.

Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng bắt đầu chủ động trong việc quản lý sức khỏe. Ngoài các chủ đề “không chất phụ gia” và “tươi sạch tự nhiên” các thương hiệu cần đổi mới và bổ sung thêm nhiều chủ đề hơn. Việc bổ sung dinh dưỡng lý tưởng phải đảm bảo cả sức khỏe thể chất và tinh thần để hỗ trợ sức khỏe lâu dài.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý ngày càng được nhiều người tiêu dùng quản lý chặt chẽ. Ảnh: bytuong

Mọi người đang tìm kiếm nhiều giải pháp quản lý cảm xúc hơn. Sống trong áp lực nặng nề, nhiều người tiêu dùng tìm đến cách ăn uống để xả stress trong cuộc sống cũng như công việc. Vì vậy, điều quan trọng là các sản phẩm phải khiến mọi người cảm thấy tràn đầy năng lượng trở lại.

Dự đoán các xu hướng chính của ngành F&B Việt Nam năm 2021

An toàn là ưu tiên hàng đầu

Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu các thương hiệu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: họ không chỉ muốn các thương hiệu luôn minh bạch về cách thức sản xuất sản phẩm mà còn mong muốn thương hiệu áp dụng nhiều công nghệ chế biến tiên tiến hơn trong việc đóng gói và bảo quản sản phẩm.

Sự lên ngôi của các sản phẩm hữu cơ/có nguồn gốc thực vật

Trong vài năm trở lại đây, số lượng người tiêu dùng Việt Nam chuyển hướng sang sử dụng các loại sản phẩm có nguồn gốc thực vật gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt là khi có nhiều thông tin về sự tồn tại và lây nhiễm Covid-19 giữa người và động vật. 

Theo Kantar Worldpanel, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật đang phủ sóng tại thị trường F&B Việt Nam. Trong đó các sản phẩm từ đậu nành chiếm 83%, các loại hạt chiếm 11% và gạo chiếm 6% còn lại. Những loại thực phẩm này không chỉ phù hợp với những người tiêu dùng đang ăn kiêng theo chế độ, những người ăn chay mà còn ngày càng phổ biến với những người có ý thức về sức khỏe và muốn có một lối sống bền vững hơn.

Gia tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ. Ảnh: tamanlac

Động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ quan niệm cố hữu của người tiêu dùng: các thực phẩm nguồn gốc thực vật an toàn, tự nhiên và tốt cho sức khỏe hơn so với động vật. Ngoài ra, mối quan tâm về môi trường cũng như quyền động vật cũng là nguyên nhân làm nở rộ xu hướng này.

Nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ - được trồng, xử lý và chế biến an toàn cho môi trường -  cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ động trong chăm sóc sức khỏe

Ngày càng có nhiều người áp dụng phương pháp chủ động để kiểm soát tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. Họ tiếp tục cải thiện mức độ sức khỏe hiện tại để tạo nền tảng vững chắc cho một cuộc sống khỏe mạnh lâu dài.

Điều này cũng được phản ánh rõ ràng trong các lựa chọn của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm và đồ uống - các danh mục được coi là tốt cho sức khỏe trở nên phổ biến hơn, được ưu tiên mua sắm hơn, trong khi các danh mục “kém lành mạnh hơn” đang phải đối mặt trong một cuộc chiến khó khăn để tìm kiếm sự phát triển.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, người tiêu dùng bắt đầu quản lý chặt chẽ hơn đến chế độ ăn uống, họ bắt đầu chuyển hướng sang các sản phẩm giúp nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch.

Giảm mức độ chi tiêu tùy ý 

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 với mức độ nguy hiểm cao hơn. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã có sự chuẩn bị sau khi trải qua các làn sóng dịch trước đó, tuy nhiên, việc giãn cách quá lâu vẫn tiếp tục tạo nên nhiều áp lực tài chính cho người tiêu dùng. Những áp lực này đã làm giảm mạnh mẽ mức độ chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng Việt. Họ dần trở nên nhạy cảm hơn về giá, kìm hãm việc mua sắm cho các hoạt động không thiết yếu như dịch vụ làm đẹp, ăn uống và giải trí bên ngoài,...

Người dân tập trung chi tiêu cho các sản phẩm thiết yếu. Ảnh: baonhandan

Tuy nhiên, khách hàng hiện nay cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm cao cấp, chất lượng nhằm bồi bổ cho bản thân một cách tốt nhất.

Phân phối đa kênh (Omnichannel distribution) và sự phát triên của eCommerce

Trải qua hơn một năm xuất hiện Covid-19, ngành F&B đã chứng kiến sự "ra đi" của nhiều thương hiệu lớn. Hoạt động kinh doanh truyền thống bị cản trở, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê phải trả mặt bằng, đóng cửa. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội mới cho các thương hiệu, trong đó nổi bật hơn cả là hoạt động thương mại điện tử và phân phối đa kênh.

Sự tăng tốc mạnh mẽ của công nghệ cũng tạo đà cho sự bùng nổ của xu hướng này. Các loại hình thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử, QR code; đặt món, đánh giá và đổi điểm ngay trên thiết bị di động... vừa tiện lợi cho khách hàng vừa đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Các dịch vụ giao hàng, đặt xe và ví điện tử cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thương mại điện tử với sự gia tăng nhanh chóng lượng người dùng mới của các nền tảng dịch vụ này.

Kết 

Mặc dù các doanh nghiệp F&B đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh, tuy nhiên thị trường này vẫn ghi nhận tiềm năng tăng trưởng cao. Những thương hiệu nhanh chóng đưa ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trong năm vừa qua vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng kể, điều này chứng tỏ rằng cơ hội luôn có đối với mọi thương hiệu nếu biết biến nguy thành cơ.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Innovative Hub

>> Có thể bạn quan tâm: Tổng quan ngành F&B: hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2021
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.