Làm thế nào để Marketer bắt kịp với xu hướng nội dung thời gian thực?

12 Thg 12

Sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram Stories hay Facebook Live đã kéo theo nhu cầu về nội dung thời gian thực. Người dùng giờ đây luôn đón chờ để xem những xu hướng, nội dung mới nhất. Bài toán đặt ra cho Marketer bây giờ là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu này từ người dùng khi doanh nghiệp vừa phải thu hút được sự chú ý của họ, vừa bắt kịp được những thông tin, sự kiện hay chủ đề nóng hổi nhất.

Nội dung thời gian thực: Xu hướng mới trong thời đại 4.0

Một khảo sát được thực hiện bởi Libris gần đây đã chỉ ra: 63% Marketer đều đồng tình với ý kiến rằng việc định vị và chia sẻ nhanh chóng những thông tin, hình ảnh trực quan đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Rất nhiều thương hiệu hiểu rằng, giờ đây họ cần phải tạo ra những nội dung thời gian thực, tuy nhiên để tạo ra một chu trình hiệu quả cho điều này không hề đơn giản như vậy.

nội dung thời gian thực
Ví dụ về thương hiệu đăng tải nội dung thời gian thực sau sự kiện SeaGames 30 (nguồn: Facebook)

Với những dạng nội dung truyền thống, Marketer có thể áp dụng nhiều công cụ khác nhau để lên lịch bài đăng, giúp tạo ra một quy trình làm việc thống nhất. Tuy nhiên với nội dung thời gian thực thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Bởi lẽ yếu tố quan trọng nhất với dạng nội dung này chính là tính khẩn cấp, đồng nghĩa với việc Marketer sẽ có ít thời gian hơn để thực hiện việc lên kế hoạch, brainstorm hay duyệt ý tưởng. Quy trình sáng tạo nội dung sẽ khác nhau giữa các thương hiệu, nhưng không vì vậy mà thiếu những phương pháp giúp Marketer bắt kịp với xu hướng nội dung thời gian thực. 

Thiết lập thông báo nhắc nhở

Yếu tố then chốt để bạn thành công với nội dung thời gian thực chính là khả năng đăng tải, tương tác trên nền tảng mạng xã hội về một sự việc nổi bật vừa xảy ra. Với nội dung truyền thống, tính khẩn cấp ít hơn vậy nên việc lên kế hoạch có thể linh hoạt, nhưng với nội dung thời gian thực thì mọi thứ cần tính toán tỉ mỉ, căn thời gian thật chính xác. Vậy nên Marketer cần thiết lập các thông báo về các thông tin, sự kiện quan trọng liên quan tới độc giả của mình để bắt kịp. Hiện nay, Marketer có thể sử dụng Google Alerts hoặc Socialmention để theo dõi và bắt kịp những sự kiện mới nhất, từ đó quyết định xem có nên tạo ra những nội dung thời gian thực xoay quanh xu hướng, sự kiện đó hay không.

>>> Đọc thêm: Điểm lại những cái tên vàng trong làng "đu trend" sau trận chung kết bóng đá nam SeaGames 30
(Nguồn: peppardcreative.co.uk)

Thiết lập một quy trình đăng tải nội dung

Tùy vào kênh bạn đăng tải, nội dung thời gian thực có thể liên quan tới nhiều bên sản xuất vì các yếu tố khác nhau như: hình ảnh, video hoặc văn bản, caption. Vậy nên ngay khi nhận thấy cơ hội tạo ra nội dung thời gian thực, đội ngũ Marketing cần tìm cách để kết nối toàn bộ các bên sản xuất nội dung, cùng nhau hợp tác và cùng hoàn thành sản phẩm để có thể nghiệm thu nội bộ. Để làm được điều này, các Marketer cần sự trợ giúp từ những công cụ giúp quản lý nội dung thời gian thực, đồng thời có thể theo dõi các đầu việc và tiến độ hoàn thành. Ngoài ra, hãy tìm nguồn an toàn để lưu trữ những tệp nội dung thời gian thực, như là video, hình ảnh, âm thanh hay văn bản. Hiện tại có Google Drive hoặc Dropbox là những công cụ tuyệt vời để Marketer có thể sắp xếp, lưu trữ và truy cập những dữ liệu này trên mọi thiết bị.

nội dung thời gian thực
(Nguồn: ComputerWorld)

Chỉ định người phê duyệt nội dung

Nội dung truyền thống thường sẽ có “vòng đời” dài hơn và đi qua nhiều khâu kiểm duyệt khác nhau. Thông thường, càng nhiều người phê duyệt tham gia vào quy trình sản xuất nội dung, thì đương nhiên thời gian phê duyệt sẽ càng lâu hơn. Với nội dung thời gian thực thì điều này cực kỳ không nên, bởi lẽ thời gian và tốc độ là tất cả. Vậy nên càng rút ngắn thời gian sản xuất nội dung càng tốt. Các Marketer nên đánh giá quy trình sản xuất nội dung hiện tại thông qua những người thật sự cần thiết tham gia vào quá trình, đồng thời loại những ai không liên quan. Để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đội ngũ Marketing cần có người phê duyệt riêng cho từng nền tảng mạng xã hội hoặc dạng nội dung. Ví dụ, một người phụ trách phê duyệt nội dung trên Instagram Stories, người khác sẽ phụ trách về Livestream hoặc ý tưởng nội dung video.

nội dung thời gian thực

Sử dụng công cụ phê duyệt tự động

“Công nghệ hóa” quy trình sẽ giúp thực hiện công việc nhanh hơn cách thủ công. Thay vì phải gửi đi gửi lại các bản phác thảo ý tưởng, nội dung qua Email để phê duyệt thì họ có thể sử dụng công cụ để tập hợp tất cả vào một chỗ. Đồng thời, gửi những lời nhắc tự động đến người phê duyệt mỗi khi nội dung hoàn thành và sẵn sàng để đánh giá. Công cụ phê duyệt tự động giúp tìm đúng người để đánh giá nội dung thời gian thực trước khi nó được đăng đải, đồng thời giúp nội dung đó tuân thủ đúng quy tắc và tránh các sai phạm. Với dạng Livestream thì nó sẽ có sự khác biệt, Marketer cần phê duyệt những nội dung chính dự kiến sẽ đưa lên trước khi phát sóng. Điều này sẽ giúp những người tham gia thảo luận đúng nội dung đã định, đồng thời đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Tạm kết

Theo thống kê của Statista, hiện có hơn 500 triệu người sử dụng Instagram Stories mỗi ngày, về phía Facebook cũng công bố đã có hơn 3,5 tỷ Livestream đã được hình thành từ 2016. Từ những con số đó có thể kết luận rằng: Nhu cầu về nội dung thời gian thực đang ngày càng tăng cao hơn và chắc chắn nó sẽ bùng nổ trong tương lai. Với nội dung thời gian thực, tốc độ là yếu tố then chốt và Marketer cần thích nghi được với điều này. Họ cần thay đổi quy trình sản xuất nội dung để phù hợp với xu hướng mới này. Bởi lẽ, chỉ khi một đội ngũ Marketing sở hữu quy trình sản xuất thống nhất, sắp xếp hợp lý mới tạo được những nội dung thời gian thực thu hút khán giả.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.