Xu hướng thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng châu Á hậu Covid-19

21 Thg 04

Người tiêu dùng châu Á đã cho thấy thói quen ăn uống của họ có thể sẽ bị thay đổi hoàn toàn bởi những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Trong một nghiên cứu độc quyền của Nielsen tại 11 thị trường châu Á, chỉ có người tiêu dùng Nhật Bản nói rằng họ ít thay đổi thói quen ăn uống do hậu quả của đại dịch Covid trên toàn cầu.

Trong nghiên cứu của Nielsen tại hơn 74 thị trường cho thấy, người tiêu dùng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam sẽ cân nhắc lại thói quen và ưu tiên ăn uống tại nhà của họ. Dẫn đầu là Trung Quốc đại lục với 86% người tiêu dùng cho biết sẽ ăn ở nhà thường xuyên hơn so với trước khi đại dịch bùng nổ. Ở các thị trường khác, xu hướng này cũng được ghi nhận với 77% người tiêu dùng ở Hồng Kông và 62% ở thị trường Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam.

>> Xem thêm: Twitter công bố nghiên cứu về những nội dung người tiêu dùng

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao đối với nhiều thực phẩm mang đi và dịch vụ giao đồ ăn tại nhà, đặc biệt là ở Hồng Kông, Hàn Quốc và Thái Lan, những khu vực điển hình cho cách sống "nhanh" và coi trọng sự tiện lợi của đồ ăn mang đi. Những tác động này có ý nghĩa quan trọng với các nhà hàng và doanh nghiệp ngoài trời, cũng như ảnh hưởng đến cách các nhà bán lẻ dự trữ hàng hóa của họ để đáp ứng mức nhu cầu mới này từ người tiêu dùng.

Ryan cũng lưu ý rằng các xu hướng này đang diễn ra khác nhau tại các khu vực nhưng nhanh chóng trở thành chuẩn mực mới. Ông nói: "Giả định ban đầu là người tiêu dùng đã hoảng loạn mua hàng khi dịch bệnh bùng phát, nhưng chúng tôi chứng kiến các hành vi mua sắm kể trên tại các thị trường diễn ra trong hơn hai tháng. Hãy nhìn vào Singapore - một quốc gia đã chấp nhận dịch vụ giao bữa ăn tại nhà và Nhật Bản - quốc gia ít có khuynh hướng này hơn, chúng ta sẽ thấy nhu cầu thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới giờ đây đã giống Singapore hơn rất nhiều so với trước kia".

Phong cảnh ẩm thực ở châu Á đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua. Khi lối sống của người tiêu dùng ngày càng trở nên đô thị hóa, bận rộn hơn và kết nối nhiều hơn, sự gia tăng của việc giao đồ ăn tại nhà và xu hướng ăn trên đường đi đã thay đổi đáng kể cách tiêu thụ thực phẩm truyền thống và trải nghiệm ăn uống. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc người tiêu dùng ăn ở đâu, ăn như thế nào càng thay đổi nhiều hơn, với nhiều lựa chọn mua đồ về nhà ăn.

“Tại một số thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình ít nhất 20-25% mỗi tuần kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1 năm nay. Người tiêu dùng đã quay lại cùng một cửa hàng nhiều lần, do vậy hành vi này không chỉ là xu hướng hoảng loạn mua hàng. Không còn nghi ngờ gì nữa, người tiêu dùng đã chuyển từ ''tiêu dùng mua mang đi'' sang ''tiêu dùng an toàn tại nhà'' nhiều hơn”, ông Ryan cho biết.

“Sự chuyển hướng từ thói quen ăn uống bên ngoài sang thói quen đặt giao thức ăn đến nhà, mua mang đi hay nấu ăn tại nhà trong dịch COVID bị ảnh hưởng cục bộ không chỉ bởi thói quen tiêu dùng truyền thống mà còn do các biện pháp cách ly hoặc đóng cửa theo thị trường”, Ryan cho biết. Ví dụ, người Nhật hầu như không tăng đơn hànggiao đồ ăn tại nhà trong khi Thái Lan lại gia tăng đáng kể. Trong khi hành vi của người tiêu dùng ở các thị trường trong giai đoạn trước mắt đã thay đổi rõ ràng, câu hỏi tiếp theo mà chúng ta đặt ra là “Liệu khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường?” và câu trả lời có thể là không bao giờ.

Ryan cũng chỉ ra rằng tư duy và hành động của người tiêu dùng đã được định hướng lại và điều này sẽ có hậu quả lâu dài. Đối với nhiều người, những thói quen cũ như ăn ngoài có thể được thay thế bằng những thói quen mới, thích hợp hơn với những môi trường mới, thay đổi mới. Người tiêu dùng không chỉ đánh giá lại nơi họ ăn, mà họ còn nhận thức rõ hơn về những gì họ ăn. Với nhiều người từng có thói quen ăn hàng quán thì việc nấu ăn tại nhà có thể là một khái niệm mới, một thói quen mới trong thời Covid-19 và họ sẽ cần sự giúp đỡ để điều chỉnh thói quen này cho phù hợp với bối cảnh xã hội.

Khảo sát của Nielsen tại đại lục Trung Quốc sau khi hết thời gian cách ly cộng đồng cũng cho thấy, sức khỏe và công nghệ là những yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong ngắn hạn và dài hạn. Nếu đại lục Trung Quốc được xem là ví dụ điển hình về cách phản ứng của người tiêu dùng diễn ra khi đại dịch bùng nổ, các thị trường khác có thể phải đối mặt với nhu cầu chuyển các quan sát ngắn hạn thành các chiến lược dài hạn.

Tại Trung Quốc, gần 70% số người được hỏi đã mua nhu yếu phẩm hàng ngày / sản phẩm tươi hơn hai lần một tuần. Việc kiểm soát giãn cách xã hội chặt chẽ như càng tiếp thêm động lực nuôi dưỡng thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, 89% người tiêu dùng nói rằng họ sẵn sàng mua nhu yếu phẩm hàng ngày / sản phẩm tươi trực tuyến sau khi đại dịch kết thúc. 80% cho biết họ sẽ chú ý đến việc ăn uống lành mạnh ngay cả khi dịch bệnh đã qua.

"Dịch bệnh COVID-19 đã nhanh chóng thay đổi cách người tiêu dùng Trung Quốc nghĩ về sức khỏe của họ, cũng như thay đổi hành vi mua hàng và các kênh họ đang sử dụng để mua sắm" ông Justin Sargent, Chủ tịch tại Nielsen Trung Quốc giải thích - "Đây cũng là thách thức và cơ hội cho các thương hiệu và các nhà bán lẻ. Với sự ra đời của 5G, trí tuệ nhân tạo và môi trường thị trường thay đổi, các thương hiệu cần làm chủ tình hình, liên tục nắm bắt sự thay đổi và xu hướng của người tiêu dùng để có chiến lược kinh doanh mới phù hợp".

Điều này cho thấy ngay cả sau khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch bệnh COVID-19, việc ăn uống lành mạnh có thể được người tiêu dùng coi trọng hơn trước đây. Kinh nghiệm ăn uống tại nhà đã được thiết lập lại.

>> Xem thêm: Khi người tiêu dùng muốn trở thành “người hùng” cho xã hội

"Đây là cơ hội quan trọng để các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm có thể suy nghĩ lại về các dịch vụ sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng được những nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện cùng những tiêu chuẩn chất lượng cao và đạt chuẩn vệ sinh. Đối với các nhà bán lẻ, cần đẩy mạnh các kênh trực tuyến, cải thiện các dịch vụ ngoại tuyến sang trực tuyến hơn nữa và tăng tốc tích hợp đa kênh sẽ là cách người tiêu dùng mua sắm trong tương lai, Sargent cho hay.

Phương Thảo - MarketingAI

Theo Nielsen

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.