Lý giải thành công của "Có chắc yêu là đây" - Sơn Tùng MTP qua góc nhìn Marketing

17 Thg 07

Tối 05/07, Sơn Tùng M-TP chính thức phát hành MV mới Có chắc yêu là đây. Sản phẩm đánh dấu sự trở lại sau 1 năm vắng bóng kể từ Hãy trao cho anh. Ngoài âm nhạc bắt tai, sự thành công của MV Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng M-TP còn được tạo nên nhờ những chiến lược marketing khôn ngoan. Hãy cùng xem điều gì làm nên sự khác biệt trong chiến lược đưa MV mới nhất của chàng ca sĩ trẻ này lên Top các bảng xếp hạng trong và ngoài nước như hiện nay.

MV Có chắc yêu là đây đã tạo thành một cơn sốt với nhiều thành tích vô cùng đáng nể. MV mới nhất của Sơn Tùng M-TP trở thành MV Việt Nam có lượt xem công chiếu nhiều nhất với 901.000 người xem, đồng thời lọt top 4 toàn thế giới ở thành tích này. Đây cũng là MV V-pop có tốc độ vào top 1 thịnh hành (trending) nhanh nhất tính đến thời điểm hiện tại khi chỉ mất khoảng hơn 4 tiếng để leo lên vị trí đầu bảng.

Đây không phải lần đầu tiên MV của Sơn Tùng lập kỷ lục. Trước đó, nam ca sĩ người Thái Bình đã có không dưới 5 ca khúc thành công với độ lan tỏa "đáng gờm" không chỉ trong thị trường âm nhạc Việt Nam mà còn với cả Quốc tế. Sơn Tùng nổi lên như hiện tượng, mặc dù xuất phát điểm từ một chàng ca sĩ không có bất kỳ bệ phóng nào trước đó.

Có thể nói, Sơn Tùng là “bậc thầy marketing” tạo nên những MV triệu view nhờ tập trung vào 3 yếu tố: vòng tuần hoàn lặp; hiệu ứng lan truyền và niềm đam mê. Các marketers có thể học hỏi được gì từ 3 chiến lược này của Sơn Tùng?''

>> Xem thêm: Sơn Tùng MTP và những lần quảng cáo cho thương hiệu nổi tiếng

Khác biệt nhờ gợi sự tò mò

"Có chắc yêu là đây" là sản phẩm đánh dấu chuỗi dự án đầu tiên của Sơn Tùng M-TP trong năm 2020. Nội dung bài hát là những lời thổ lộ của chàng trai, đem lòng yêu một cô gái mà không dám bước đến nhưng sau cùng, anh đã dũng cảm đi theo cảm xúc của mình.

Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng ngoài hình ảnh và giai điệu dễ thương thì nhiều khán giả than phiền lời bài hát của MV không rõ. Có lẽ do chính giai điệu, tiết tấu nhanh của các ca khúc này là yếu tố khiến khán giả "gặp khó" khi thưởng thức màn biểu diễn của Sơn Tùng. Đó cũng là lý do vì sao những sản phẩm gần đây nam ca sĩ này đều công bố lời ca khúc trước khi sản phẩm chính thức ra mắt để fan học thuộc lời trước khi nghe.

Sơn Tùng công bố Lyrics bài hát trước khi ra MV 

Thế nhưng đây có thể coi là sự cố tình "có chủ đích". Chiến thuật marketing của Sơn Tùng năm ở chỗ tận dụng hiệu quả các yếu tố trong Audience Journey (Hành trình của người nghe nhạc):

  • Nghe lần thứ 1: Thấy giai điệu bắt tai, cơ thể muốn nhún nhảy theo, video và ca sĩ visual đẹp mắt, nhưng chưa nghe rõ ca từ và chưa hiểu ý nghĩa toàn bộ bài hát. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
  • Nghe lần thứ 2: Lần này bật phụ đề tiếng Việt nghe cùng, lúc này hiểu hơn ý nghĩa cùng với cảm nhận giai điệu bắt tai ấy đã thấm hơn, hay hơn. Miệng bắt đầu hát theo ca từ đó, nhưng nhạc nhanh quá hát không đuổi tới được. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
  • Nghe lần thứ 3: Lần này vẫn thấy hay, vừa nghe vừa xem lyrics để hát cùng, rồi tiện tay xuống xem phần comment đọc xem mọi người nhận xét gì. Comment quá nhiều, không đọc hết trong lần này. Nên tiếp theo họ sẽ ấn nút Replay.
  • Nghe lần thứ n: Và cứ như thế người nghe cuốn vào giai điệu bài hát cùng với nút Replay.
Khán giả phản hồi dưới MV của Sơn Tùng 

Rõ ràng, Sơn Tùng đang lựa chọn cách làm nhạc khôn ngoan tạo trigger (yếu tố kích hoạt) để người nghe phả nghe lại đến hiểu và nhớ lời thì thôi. Có thể thấy điều này qua rất nhiều các sản phẩm trước đó: Lạc trôi, Chúng ta không thuộc về nhau hay Buông đôi tay nhau ra...Đây là điểm khác biệt giúp Sơn Tùng tạo dấu ấn cho khán giả. Yếu tố này trong marketing gọi là USP (Unique selling proposition - điểm bán hàng độc nhất).

USP là một yếu tố để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như chi phí thấp nhất, chất lượng cao nhất, sản phẩm đầu tiên trên thị trường hoặc một số khác biệt khác. USP trong nhạc của Sơn Tùng là: Âm nhạc nghe hay và catchy (bắt tai) + bậc thầy làm Marketing (đã đề cập ở trên) + Khả năng khơi gợi sự tò mò sẵn có trong mỗi người là HIỂU được hết ý nghĩa bài hát và nếu được là thuộc được bài hát đó.

Tận dụng Network Effect qua mạng xã hội và WOM 

Network Effect – hiệu ứng mạng là việc gia tăng người dùng mới sử dụng sản phẩm của ạn sẽ làm gia tăng lợi ích cho những người dùng trước đó. Sơn Tùng tận dụng tốt yếu tố này: tạo ra hiệu ứng mạng trong sản phẩm của mình, để người dùng cũ mời gọi người dùng mới tới sử dụng một cách tự nhiên và mang tính lan truyền.

Trước khi MV ra mắt, Sơn Tùng đăng tải 9 bức hình nền hoa kèm theo một chữ “ĐÂY” như đang “thả thính” về sản phẩm âm nhạc sắp tới. Điều này đã tạo ra một trào lưu chế ảnh mới trên MXH. Các bạn trẻ không ngừng chia sẻ loạt ảnh chế từ nền hoa thơ mộng của Sơn Tùng. Khá nhiều nhóm bạn í ới nhau cùng thay hình đại diện thành nền hoa với những câu chữ lầy lội hay đơn giản hơn là ngồi hóng xem mọi người làm như thế nào để về tự chế lại câu chữ phù hợp. Như vậy, bước đầu Sơn Tùng đã khơi gợi thành công sự tò mò cho khán giả. 1 người đăng, 2 người, 3 người thấy lạ cũng sẽ tìm hiểu nguồn gốc bức ảnh, rồi "đu trend" để bằng bạn bằng bè.

Chỉ một chữ "ĐÂY", Sơn Tùng M-TP đã khiến dân tình bấn loạn. (Ảnh: Instagram)
Cư dân mạng thích thú chế ảnh theo Sơn Tùng

Và vòng lặp này tiếp tục xảy ra khi MV ra mắt. Yếu tố này dựa trên hội chúng FOMO (Fear of missing out - hội chứng sợ bỏ lỡ), khơi gợi sự tò mò của người dùng và WOM (Word of mouth - Truyền miệng). Người theo dõi không chỉ chia sẻ thông tin, họ còn kể chuyện. Những câu chuyện được kể lại dựa trên những ý tưởng hay vấn đề mà họ tiếp nhận được. Cũng như ở đây, cộng đồng Sky - những người dùng này là những người thích xem các video hot, đang theo trend, mẫu người thích khám phá, thích dẫn đầu xu hướng và sẽ là những khách hàng “truyền miệng” cho ca khúc của Sơn Tùng MTP. Dù không phải fan của Sơn Tùng, người dùng cũng sẽ bị thu hút, tò mò bởi lượt share, comment trên mạng xã hội.

Bài hát nào của Sơn Tùng cũng đạt lượt chia sẻ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội

Và càng có thêm nhiều người xem, share và comment, càng khiến sản phẩm lọt vào top trending, sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn nữa. Có thể thấy, Sơn Tùng đã tận dụng tốt sự kết nối và chia sẻ không giới hạn trên các mạng xã hội.

Bài học các marketer có thể rút ra từ đây đó là luôn cần phải tân dụng lợi thế social, tạo ra hiệu ứng trong sản phẩm của mình, để người dùng cũ mời gọi người dùng mới tới sử dụng một cách tự nhiên và mang tính lan truyền.

Tận dụng Product Placement

Product Placement là một kĩ thuật quảng cáo trong đó các sản phẩm và dịch vụ xuất hiện trong các đoạn phim/ video với mong muốn tiếp cận được với một lượng người dùng lớn hơn. Trong hình thức quảng cáo này, nhiều chuyên gia cho rằng việc sản phẩm xuất hiện càng tự nhiên càng mang lại hiệu quả cao hơn. Đổi lại, các doanh nghiệp sẽ phải trả một khoảng phí cho đơn vị sản xuất.

Trong các MV trước đó của Sơn Tùng, yếu tố này cũng được nam ca sĩ tận dụng và các sản phẩm được quảng cáo thường xuất hiện rất tự nhiên, dưỡng như không hề liên quan đến bối cảnh và nội dung video. "Lạc trôi""Nơi này có anh" là minh chứng tiêu biểu nhất. Trong "Lạc trôi", chỉ cần một chi tiết nhỏ: đôi giày hiện đại xuất hiện chớp nhoáng trong MV cổ trang tạo nên sự đối lập độc đáo đã đủ khiến người xem phải tò mò tìm hiểu. Và khi cái tên Biti''s Hunter được tìm ra tức là nhà đầu tư đã đạt được mục đích. Sự thật sau đó, nhãn hiệu này đã thực sự cháy hàng sau hiệu ứng Sơn Tùng M-TP.

lạc trôi sơn tùng mtp
Đôi giày Sơn Tùng mang trong Lạc Trôi của nhãn hàng Biti’s Hunter

Chiếc điện thoại xuất hiện trong MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP

Trong "Có chắc yêu là đây", nam ca sĩ tiếp tục được Oppo, Vinfast, VinID "chọn mặt gửi vàng". Theo đó, trong MV mới, Sơn Tùng đã đeo một chiếc đồng hồ với quai đeo, viền màu hồng khá đẹp mắt. Nó có mặt vuông và nhiều người có thể nghĩ ngay tới chiếc Apple Watch. Nhưng không đâu, nếu bạn quan sát kỹ, đó không phải Apple Watch mà là OPPO Watch. Thực ra điều này cũng không có gì lạ, bởi Sơn Tùng MTP vẫn đang là gương mặt đại diện cho OPPO.

Chiếc đồng hồ và xe điện xuất hiện trong MV của Sơn Tùng 

Chưa hết, Sơn Tùng cũng mang theo 1 sản phẩm khác vào trong MV lần này và đó là một chiếc xe máy điện. Đây chính là dòng xe VinFast Impes với logo chữ V quen thuộc ở mặt trước. Khán giả dường như không hề thấy khó chịu vì hình ảnh quảng cáo được lồng ghép vào khá tinh vi với mật độ vừa đủ để công chúng nhận biết được tên nhãn hiệu mà không bị quá phô.

> Xem thêm: Chiến dịch truyền thông trở lại của Sơn Tùng MTP
Kết luận

Sự đầu tư và chiến lược truyền thông rõ ràng của Sơn Tùng là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng của chàng ca sĩ trẻ. Mỗi lần trở lại là mỗi lần phá tan mọi kỷ lục của Vpop. Không chỉ dừng lại ở mức phổ biến, mà chiến dịch truyền thông trở lại của Sơn Tùng MTP đang cho thấy tham vọng với một lần trở lại có thể làm “khuấy động” thị trường âm nhạc. Người hâm mộ anh vẫn đang trông chờ dự án chính thức của M-TP - album Chúng ta vào một ngày không xa.

Hải Yến - MarketingAl 

Tham khảo Doanh nghiệp hội nhập

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.