Sự phát triển của mạng 5G dẫn tới "cú hích" mạnh của ngành thương mại điện tử

08 Thg 03

Công nghệ đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất với các doanh nghiệp hiện nay với 342 triệu kết quả tìm kiếm được. Công nghệ 5G đang được phát triển và dần ứng dụng vào rất nhiều ngành nghề, trong đó thương mại điện tử có lẽ sẽ hưởng lợi hơn cả. Thương mại điện tử có thể là lĩnh vực ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường mạnh mẽ nhất, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu những lợi ích mà 5G đem lại cho thị trường nói chung và ngành E-commerce nói riêng

Công nghệ 5G tạo nền tảng cho sự "phá đảo" của VR và AR

Người tiêu dùng ngày nay không khó lên mạng mua sắm hoặc sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mình biết. Người ta cũng nói nhiều đến sự gia tăng nhanh chóng của thương mại di động. Theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng mua hàng trên thiết bị di động và xu hướng này đang thúc đẩy giới thương gia cung cấp trải nghiệm mua sắm di động mạnh mẽ, hấp dẫn.

Thế nhưng nhìn vào thực tế thì người tiêu dùng vẫn có tư tưởng "chắc cốp" khi muốn sử dụng trải nghiệm tại cửa hàng trước khi ra quyết định mua. Các hoạt động thương mại điện tử vẫn vướng một rào cản là làm sao để cho khách hàng trải nghiệm như thật để đem tới cho họ thứ mà họ cần. Từ đó, không ít những công nghệ của các hãng e-commerce ra đời để đáp ứng được những nhu cầu đó của phần đông thị trường, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa hai thế giới ngoại tuyến và trực tuyến.

(Nguồn: Wareable)

Đáng chú ý hơn cả là công nghệ VR (thực tế ảo) và AR (Thực tế tăng cường) đang là vedette hiện nay khi có những công nghệ xem là tương lai của thị trường. Trong thời gian tới, VR và AR là hai trong số những công nghệ có thể được sử dụng phổ biến trong thương mại điện tử với sự xuất hiện của mạng di động thế hệ thứ 5 đó là công nghệ 5G, có tốc độ nhanh gấp mười lần mạng 4G hiện nay và hầu như không có độ trễ. Loại công nghệ VR, AR có tiềm năng cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm online cho người tiêu dùng, sự tiện lợi của công nghệ này là không thể phủ nhận. Với sự phát triển 5G thì đây như là "chìa khóa" mở ra rất nhiều cơ hội phát triển để phổ cập tới người dùng.

Với các tính năng mạng được thiết kế để tăng cường đáng kể tốc độ và sức mạnh xử lý dữ liệu không dây, công nghệ 5G dự kiến hỗ trợ đáng kể những ứng dụng sử dụng nhiều dữ liệu như VR và AR, từ đó khai thác được tiềm năng to lớn của công nghệ này trong lĩnh vực thương mại. Nếu như hiện nay mạng LTE/4G chưa đủ để đáp ứng băng tần đường truyền thì mọi chuyện trên 5G sẽ khác. Thương mại điện tử có thể là lĩnh vực ứng dụng VR/AR mạnh mẽ nhất trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang chi hơn 1 tỉ đô la mỗi năm cho công nghệ này.

5G cũng gián tiếp giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm

Tốc độ của công nghệ 5G giúp trải nghiệm công nghệ thực tể ảo VR được trở nên mượt mà cũng như phát huy tối đa khả năng mà công nghệ này đem lại từ đó giúp các thương hiệu thu về hiệu quả cao nhất. Chính sự kết hợp của "cặp đôi hoàn hảo" 5G+VR sẽ cho phép người sử dụng ngồi ở nhà vẫn có thể dễ dàng duyệt, mua, lưu lại và nhận thông báo về những sản phẩm đang quan tâm bên trong một cửa hàng ảo. Chưa kể đến, công nghệ 5G còn hứa hẹn cải thiện chất lượng nội dung VR, giúp nhà bán lẻ hưởng lợi khi sử dụng VR để giới thiệu sản phẩm trong cửa hàng ảo bởi người tiêu dùng khi đó có thể xem chúng rõ ràng hơn.

IKEA của Thụy Điển là một trong những hãng tích cực cải tiến công nghệ nâng cao điểm tiếp xúc (Touch point) cho khách hàng. Hãng đã ứng dụng VR để cho phép người sử dụng mang kính Hive của công ty HTC (Đài Loan) khám phá không gian thiết kế nội thất nhà bếp trong môi trường ảo. Gần đây hơn, IKEA trình làng cửa hàng VR trực tuyến ở Úc, nơi người sử dụng có thể tham khảo sản phẩm nội thất ngay tại nhà thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính để bàn.

(Nguồn: Youtube)

Đi xa hơn, công ty Cimmerse (Đan Mạch), thuộc số những doanh nghiệp chuyên ứng dụng VR/AR để giúp khách hàng bán sản phẩm trên mạng, cho rằng nhờ công nghệ 5G, một nhân vật ảo trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ người mua sắm những thông tin cần thiết về sản phẩm trong môi trường ảo để họ ra quyết định. Một khi trở nên phổ biến, mạng 5G còn mang đến cho nhà bán lẻ và nhà tiếp thị khả năng gửi video độ phân giải cao hơn đến người tiêu dùng với hy vọng thúc đẩy họ chi tiêu cho mua sắm nhiều hơn.

Một ứng dụng nữa cho tương lai của ngành thời trang là công nghệ "gương thần" đặt tại những phòng thử đồ. Công nghệ này có thể nhận biết thông tin về sản phẩm đang được thử thông qua thẻ RFID, từ đó cung cấp thông tin giá trị về khách hàng. Một cửa hàng có thể dùng dữ liệu này để hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa theo thời gian thực, như một đôi giày được xem là phù hợp với trang phục đang thử hay không. Sự hiện diện của công nghệ 5G sẽ giúp ích nhiều cho những hoạt động nói trên tại các cửa hàng thời trang, nâng cao được tối đa trải nghiệm người dùng.

Trong khi đó, ông Jeff Weisbeinm, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông số Best Techie (Mỹ), cho rằng ứng dụng công nghệ 5G có thể dẫn đến những thay đổi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó đáng chú ý là cải thiện trải nghiệm bán lẻ thông qua cá nhân hóa.

Tóm lại, công nghệ 5G sẽ nằm ở trung tâm của thế giới siêu kết nối mới của những năm 2020. Từ mua sắm, thiết bị thông minh đến xe tự lái, những thông số kỹ thuật di động mới này sẽ mở ra một kỷ nguyên kết nối mới, hứa hẹn giúp các thương nhân và người mua sắm đến gần nhau hơn bao giờ hết.

Xem thêm: Tích hợp ảnh 360 và VR trên eMagazine: Bước đột phá công nghệ báo chí 4.0

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Theo Thesaigontimes

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.