Từ "Ký Sinh Trùng" chúng ta có thể hiểu được những thông điệp Marketing nào?

25 Thg 06

Một trong những bộ phim đang "oanh tạc" các phòng vé lớn nhỏ tại Việt Nam là Ký Sinh Trùng. Bộ phim đề cập đến những vấn đề xã hội hết sức nhức nhối của đất nước Hàn Quốc, thêm vào đó bộ phim này cũng đạt giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim danh tiếng Cannes 2019. Với tất cả những yếu tố đó, cho thấy bộ phim này có sức hấp dẫn như thế nào. Thế nhưng, bạn sẽ khá bất ngờ khi trong Ký Sinh Trùng, những tình tiết lại có sự liên kết rất mật thiết với những chiêu trò Marketing kinh điển được khá nhiều thương hiệu áp dụng. Nào! Cùng MarketingAI tìm hiểu thôi.

Ký Sinh Trùng - Bộ phim phản ánh xã hội phân chia giai cấp "ám ảnh" người xem

Ngay sau khi lập kỷ lục là phim Hàn có doanh thu các suất chiếu sớm cao nhất Việt Nam (1,2 tỷ đồng) trong tối 20/6, ''Ký Sinh Trùng'' tiếp tục gây bão phòng vé Việt khi chính thức ra rạp từ ngày 21/6. Chỉ sau 3 ngày đầu khởi chiếu, bộ phim đã thu hút gần 200 nghìn lượt khán giả, thu về gần 15 tỷ đồng.

Một trong những điều tạo tiền đề để bộ phim của đất nước xứ Củ Sâm này, dành được thiện cảm từ công chúng chính là đạt giải cao nhất của LHP Cannes. Khơi gợi sự tò mò của người xem, liệu bộ phim này có điểm gì khác biệt, những điểm gì mà khiến nó thắng cả những bộ phim từ các "cường quốc" về điện ảnh như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha...? Ngay từ Poster quảng bá, người xem đã rất phấn khích vì tính "Creepy", cũng như nó thôi thúc bạn vén màn những ý nghĩa sâu xa từ tấm banner mà bạn nhìn thấy. Tại sao lại che mắt?, tại sao lại khung cảnh lại u ám?, tại sao cậu kia lại cầm đá?... Tất cả những câu hỏi đó gom lại, tạo hiệu ứng cực lớn trước khi công chiếu Ký Sinh Trùng.

Poster gây nhiều tò mò (Nguồn: Saostar)

Thực vậy, bộ phim được đánh giá là đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, các cung bậc cảm xúc mạch lạc, ấn tượng chạy xuyên suốt bộ phim. Thêm vào đó, những tình tiết gắn kết với nhau cực kỳ logic, khiến bộ phim này tạo cho người xem cảm giác không muốn bỏ lỡ bất kỳ một chi tiết phim nào cả. Bộ phim này không thuộc cụ thể thể loại phim nào, thế nhưng không cần biết thể loại, người xem lại cực kỳ hứng thú khi đây là một tác phẩm điện ảnh phản ánh chân thật nhất những gì diễn ra trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là một đất nước theo chủ nghĩa Tư Bản. Sự phân chia giai cấp giàu nghèo rất lớn trong xã hội, những người nghèo dù có tốt nhưng vẫn bị xã hội "dìm" cho không thương tiếc, còn người giàu thì ngược lại. Việc sử dụng hình ảnh trái ngược, cùng những tình huống cùng xảy ra cùng lúc, nhưng hai cách thực hiện hoàn toàn khác nhau đã đặc tả rõ nét hai bức tranh sáng tối này. Chính những hình ảnh này là "nút thắt" khiến bộ phim trở nên nghệ thuật hơn rất nhiều, người xem cảm thấy bị ám ảnh tột độ. Những hình ảnh ẩn dụ, cùng những chi tiết gây shock như "chiếc hầm", "người chồng của quản gia cũ"... khiến người xem chưa hoàn hồn đã phải ngóng xem những tình tiết tiếp theo.

Đoàn phim nhận giải "Cành cọ vàng" Trong LHP Cannes 2019 (Nguồn: Hanoimoi)

Tuy nhiên, cái nói đến ở đây chính là những điều mà bạn sẽ chưa chắc đã hình dung ra được. Từ những hành động của các nhân vật trong phim, bật lên những chiêu trò quen thuộc với những hình thức Marketing ngoài đời được nhiều doanh nghiệp, Marketer sử dụng. Liệu bạn có nhận ra, nếu chưa thì hãy đọc phần phân tích của chúng tôi dưới đây.

Những thông điệp Marketing được nhìn thấy trong "Ký Sinh Trùng"

Word Of Mouth (WOM)

Có thể thấy hình thức này được xếp vào hàng kinh điển của thế giới, rất nhiều thương hiệu sử dụng khéo léo chiêu trò Marketing này để thu hút lượng lớn khách hàng về cho mình. Marketing truyền miệng là hình thức không hoàn toàn phụ thuộc vào internet hoặc các kết nối công nghệ như những hình thức marketing khác. Đương nhiên, môi trường internet giúp cho các câu chuyện được lan truyền nhanh và xa hơn, nhưng trong thực tế, theo 1 số tài liệu 80% sự truyền miệng đến từ các câu chuyện ở đời thực.

Đó chính là mấu chốt của bộ phim! Nếu bạn để ý xuyên suốt bộ phim, điều gì làm cho 4 người trong gia đình Ki-Woo được vào làm trong gia đình giàu có họ Park? Vâng chiêu thức cơ bản được họ áp dụng là truyền thông truyền miệng (Word of mouth). Từ cậu con trai cả trong gia đình là Ki-Woo, cậu được giới thiệu cách rất ngẫu nhiên từ cậu bạn thân của mình đi làm cho gia đình họ Park để giúp "trông chừng" cô con gái mà cậu thích trong gia đình đó khi cậu đi du học. Khi được nhận vào làm, với sự tinh ranh sẵn có, cậu vẽ nên một màn kịch là sự khởi đầu của một tấn "bi hài" sau này. Cô em gái đột nhiên được xưng là Jessica, đi du học bên Mỹ về Mỹ Thuật, là người quen của bạn Ki-Woo, hai người tỏ vẻ không quen biết nhau và với sự "PR" hết nấc của anh trai thì cô em gái cũng được người vợ ngu ngơ của gia đình giàu có này nhận vào làm khá dễ dàng.

Chàng trai Ki-Woo nhân vật mấu chốt của bộ phim (Nguồn: kenh14)

Tuy nhiên, đỉnh cao chưa dừng lại hết, khi mà lần lượt tài xế taxi của gia đình cũng bị thay bởi người cha, và bà giúp việc cũng được thay bởi người mẹ. Tất cả trình tự trên được gia đình áp dụng cực đỉnh hình thức truyền thông truyền miệng, chính sự tin tưởng quá mức của người vợ gia đình Park, khiến cho chiêu trò của gia đình Ki-Woo diễn ra "dễ như ăn kẹo". Có thể thấy hình thức Marketing WOM, là sự hình thành của sự tin tưởng khi người này giới thiệu cho người kia, thực tế rất nhiều thương hiệu thành công nhờ chiêu thức cổ điển nhưng đầy hiệu quả này, một trong số đó phải kể đến: Starbucks, Apple, Trung Nguyên... khi tiền chi cho quảng cáo rất thấp mà độ hiệu quả lại cực kỳ cao.

Chạm đến Pain-point của khách hàng

Có thể thấy, cô em gái lắm chiêu của anh chàng Ki-Woo là Ki-Jung có một ngoại hình cũng cực kỳ cá tính, hợp với những gì mà anh trai cô xây dựng cho cô để trở thành cô giáo. Mặc dù, đây là một gia đình mà từ bố tới con đều thất nghiệp, nhưng khi xem bộ phim, người xem không khỏi bất ngờ vì thắc mắc "Tại sao với bộ não đỉnh như vậy, mà họ lại không thể ngóc đầu lên nổi?".

Điều làm cho cô nàng Ki-Jung cũng khiến người xem không khỏi ấn tượng không chỉ bởi cách diễn xuất đạt những gì anh trai vẽ ra, mà còn sự nhạy bén vượt bậc của cô nàng. Trước khi đến với tư cách "giả danh" giáo viên mỹ thuật, thì cô đã học gần như hết những gì liên quan đến ngành mà cô sẽ phải đụng chạm tới trong tương lai, đây hay còn gọi là đi Research thị trường, hiểu thị trường muốn gì, xem những yếu tố trong và ngoài của thị trường đó. Tiếp đến, cô nàng vào và giảng dạy như cô hiểu rõ về bộ môn mỹ thuật này lắm, cô nàng "Educate" cho bà vợ họ Park này về những gì mà cậu con trai vẽ, bà vợ chỉ biết gật đầu theo những gì mà Ki-Jung nói. Thêm vào đó, cô nàng còn biết được những quá khứ "đau thương" của cậu con trai út trong gia đình bà Park, đây là điều khiến bà Park bị ấn tượng mạnh từ đó đi đến quyết định thuê "cô giáo" mỹ thuật này về với mức lương cao ngất ngưởng!

Cô em gái Ki-Jung gây ấn tượng mạnh với màn giả vai cô giáo mỹ thuật (Nguồn: Vnreview)

Những điều trên cho thấy, Ki-Jung nghiên cứu rất kỹ những gì mà cô sẽ làm, thêm vào đó, khi thâm nhập được vào nhà giàu có họ Park, cô nàng bằng một cách nào đó nắm được những điểm cốt lõi trong gia đình. Từ đó, cô biết được "Insight" trong gia đình họ là gì để tạo nên một câu chuyện hoàn toàn thuyết phục, đó gọi là cô đã chạm đến được Pain-point của khách hàng, đây là điểm mà đã khiến bà Park đổ gục hoàn toàn trước sự am hiểu cực kỳ ấn tượng của cô giáo hờ này. Liên hệ với thực tế hiện nay, rất nhiều thương hiệu dù có rất nhiều chất liệu truyền thông tốt, tuy nhiên bởi sự nghiên cứu thị trường hời hợt, hay Insight chưa đạt tới những gì thị trường mong muốn, nên không tạo được điểm chạm với khách hàng. Cho nên nhìn từ bộ phim Ký Sinh Trùng, các Marketer cũng có thể lấy đây làm cảm hứng để về tạo ra một quy trình chuẩn, có thể đưa đến một Media plan tốt nhất.

Fear-Based Marketing (Đánh vào nỗi sợ)

Cuộc đưa người gài vào gia đình họ Park diễn ra hài hước và công phu nhất, có lẽ là của người mẹ. Gia đình của Ki-Woo, như thường lệ nghiên cứu rất rõ những gì mà diễn ra xoay quanh vị quản gia của gia đình, nhằm đưa người mẹ vào thế chân người đàn bà này. Chứng dị ứng với đào chính là Key point của kế hoạch sau đó, khi mà gia đình kia lấy đây là điểm yếu đánh vào người quản gia kia, khiến bà phải đi viện vì bị dị ứng với Đào.

Tiếp đến, trong lúc bà đi bệnh viện thì người cha Ki-Taek đã đi theo và cố tình chụp lại bức ảnh và đem về giả như vô tình chụp được vị quản gia này. Sau đó, là một câu chuyện cực kỳ logic được gia đình Ki-Woo vẽ nên, như bà quản gia này bị bệnh Lao lâu năm và che giấu gia đình họ Park, việc của ông bố Ki-Taek là làm theo đúng những gì kịch bản này vẽ nên. Tất nhiên rồi, ông bố hoàn thành tốt vai diễn của mình, và kết quả thì ai cũng biết là vị quản gia cũ bị đuổi đi một cách rất khéo léo. 

(Nguồn: Vietnamnet)

Bệnh lao chính là mấu chốt của vấn đề, gia đình Ki-Woo vẽ nên một nguyên nhân không thể thuyết phục hơn khiến người kia bị mất việc một cách chóng vánh. Đây được gọi là Marketing dựa trên nỗi sợ của khách hàng, khiến cho ngay lập tức một vị quản gia khác được thế thân, và đó chính là người mẹ của gia đình nghèo kia. Một chiêu thức được áp dụng quá thành công, những nỗi sợ được khơi ra hết, cùng với đó là cách vận hành cũng như teamwork chuyên nghiệp đến khó tin. Rất nhiều chiến dịch truyền thông của những nhãn hàng đạt được thành công dựa vào nỗi sợ của khách hàng, nếu bạn còn nhớ TVC năm 2007 được Ogilvy thực hiện "Đừng ngụy biện – Hãy đội mũ bảo hiểm", dựa trên nỗi sợ của người xem. Kết quả ra sao thì ai cũng rõ, đây được xếp vào chiến dịch kinh điển tại Việt Nam, trong vòng 4 tháng sau khi triển khai, lượng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đúng quy định tại Việt Nam đạt 99%, một con sô vô cùng ấn tượng.

...Và Phản ánh những chiêu trò Marketing bẩn hiện nay

Bên cạnh những hình ảnh gợi nhớ đến những chiêu trò Marketing hết sức đỉnh cao được thị trường ưu ái sử dụng. Thì bên cạnh đó, những hình ảnh về chiêu trò "Marketing bẩn" cũng được ẩn dụng trong bộ phim. Như cách mà cô em gái Ki-Jung tạo ra hiện trường giả bằng cách lấy quần lót của mình để lại trên xe, khiến cho tài xế của gia đình Park bị hiểu nhầm là làm trò đồi trụy trên chính chiếc xe ô tô riêng của gia đình. Đây là chiêu trò để đưa ông bố Ki-Taek vào làm việc trong gia đình, một chiêu trò dìm trực tiếp đối thủ xuống và nâng người nhà của mình lên để được lọt mắt xanh của vợ chồng họ Park.

Những chiêu trò của gia đình Ki-Woo tạo nhiều cảm hứng cho người xem (Nguồn: nld)

Nếu nhìn vào thực tế, thì có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, ám chỉ nhau thông qua những quảng cáo truyền thông của mình. Những chiêu trò Marketing bẩn hiện nay có thể thấy rất nhiều ở các ngành hàng khác nhau. Phổ biến nhất, là dùng những account ảo để "bóc phốt" một thương hiệu nào đó sai sự thật hay thuê người comment tiêu cực vào các bài post, sản phẩm của đối thủ, chúng ta có thể thấy ở các thương hiệu ngành F&B, hay những thương hiệu thời trang. Thậm chí, các ngành về dịch vụ du lịch cũng thường là nạn nhân của những chiêu trò Marketing bẩn hại lẫn nhau. Đây được xem là vấn đề nhức nhối, nâng bản thân lên và dìm đối thủ sai sự thật, khiến cuộc chơi trở nên không còn trong sạch nữa. Marketing bẩn cũng chính là vấn nạn hiện nay của thị trường, được rất nhiều nhãn hàng tẩy chay và không công nhận.

Xem thêm: “Để Mị nói cho mà nghe” cùng chiến lược truyền thông tinh tế của Hoàng Thùy Linh Xem thêm: Chiến lược thương hiệu thành công của phim ‘Crazy Rich Asians’ – hiện tượng Hollywood đến từ Châu Á

Kết luận

Có thể nói, Ký Sinh Trùng đang là bộ phim hot nhất hiện nay với chủ đề nóng, phản ảnh những thực trạng của xã hội tư bản Hàn Quốc, phân chia giai cấp. Câu nói của người cha đã làm mấu chốt của bộ phim:"Đừng lên kế hoạch, cuộc đời sẽ không bao giờ vận hành theo cách chúng ta muốn". Đến đây thì lý thuyết vô thường của Châu Á vốn là mạch ngầm trong phim lại nổi lên một cách thông suốt: cuộc sống luôn gồm những điều mà con người ta không thể ngờ tới được. Lúc vào làm gia sư chính Ki-Woo cũng không ngờ câu chuyện đi xa như vậy, lúc bà chủ tổ chức bữa tiệc cũng không nghĩ sự kiện vui vẻ lại hóa thảm họa như thế. Bộ phim là một "tuyệt phẩm" của Châu Á, và đến đây nếu bạn chưa đi xem, thì hãy nhấc mông lên và đi thôi. 

*Ký sinh trùng hiện đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc 

Thắng Nguyễn - MarkeitngAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.