Xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Ba thay đổi định hình năm 2021 và xa hơn

20 Thg 01

Năm 2020 đã qua đi với những thay đổi chưa từng có trong lịch sử. Thời gian ở nhà nhiều hơn, mọi người có cơ hội được làm những việc mà họ ít khi làm như ở bên gia đình vào dịp lễ, nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa. Thời gian online trên mạng cũng nhiều hơn bao giờ hết, mọi người giao tiếp với nhau chủ yếu qua các cuộc gọi video. Học tập hay tham gia sự kiện cũng thông qua các nền tảng online.

Mọi thứ dần được “online hóa” khi dịch bệnh vẫn không cho thấy dấu hiệu dừng lại. Đương nhiên, khi các hoạt động online diễn ra quá nhiều, sẽ có những trục trặc kỹ thuật xảy ra, và cả sự xuất hiện bất ngờ của những người thân trong gia đình, những tiếng động không nên có,... khi bạn đang tham gia một sự kiện online nào đó tại nhà, nhưng nhìn chung, chính những trải nghiệm thú vị như vậy trong thời gian cách ly mới mang lại cho chúng ta cảm giác được kết nối thật sự. 

Đại dịch cũng tạo điều kiện rất lớn cho công nghệ kỹ thuật số phát triển. Nó như một công cụ trợ trợ giúp đích thực cho cuộc sống của con người - từ việc cung cấp thông tin sức khỏe cộng đồng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong thời gian cách ly, cho đến những nỗ lực giúp cho cộng đồng được giải trí và học tập thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại cho cuộc sống của con người, công nghệ cũng tạo ra khoảng cách kỹ thuật số - khoảng cách giữa những người có thể được hưởng lợi từ Internet và những người không thể truy cập Internet. Có thể nói, khả năng truy cập Internet chưa bao giờ là bình đẳng và cuộc khủng hoảng đã càng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch đó. Có những tầng lớp và bộ phận người dân trên thế giới đã bị tổn thương và họ phải gánh chịu những hậu quả không đáng phải nhận bởi sự chênh lệch này.

Có thể tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn với sự xuất hiện của vắc xin, nhưng hậu quả mà đại dịch COVID-19 để lại trong năm 2020 vẫn sẽ còn được nhắc lại trong nhiều thập kỷ tới. Và để tổng kết một năm nổi bật, tôi muốn nhắc đến 3 chủ đề chính đã xảy ra trong năm qua sau:

Chuyển đổi số

Đại dịch là yếu tố lớn nhất tác động lên tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020. Xét trên phạm vi toàn cầu, lượng người dùng mới đối với các dịch vụ kỹ thuật số đã tăng ít nhất 50%. Khi người dùng bắt đầu tham gia nhiều hơn các hoạt động online, các doanh nghiệp dù là lớn hay nhỏ đều đã phải đối mặt với áp lực thích nghi nhanh chóng. Họ phải thực hiện chuyển đổi và mở ra một thời kỳ sáng tạo bùng nổ: những gã khổng lồ công nghiệp thì thử nghiệm với chatbot, trong khi những người dân nông thôn đã dần trở nên quen thuộc với công nghệ livestream. Thế nhưng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Ở một mặt tối khác, rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người đã không thể vượt qua thời kỳ gián đoạn kinh doanh, dẫn đến phá sản và nhân viên phải rời đi.

Công nghệ livestream dần trở nên phổ biến đối với cả những người nông dân 

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thị trường đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi Ngày hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) diễn ra và mang lại doanh thu kỷ lục. Khi hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường, người ta nhận ra rằng những thay đổi trong hành vi tiêu dùng xảy ra trong mùa dịch vẫn được duy trì và không hề mất đi. Châu Á trở thành thị trường đi đầu, biến thế giới chuyển từ trạng thái “bắt kịp” sang “bắt kịp chúng ta”.

Khi thời gian dành cho các website trực tuyến cao lên, kỳ vọng về một trải nghiệm thuận tiện, không gián đoạn của người dùng cũng tăng cao. Họ kỳ vọng về những trải nghiệm đó nhanh chóng và thuận tiện, đó có thể là một quy trình thanh toán nhanh gọn và không tiếp xúc, các hình thức tìm kiếm thay thế (không phải văn bản) như tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh. Ngoài ra, đối với nhiều người dùng hiện nay, “thương mại điện tử” - e-commerce là đại diện cho cụm từ “entertainment - commerce”, nghĩa là “thương mại giải trí”, với sự bùng nổ của game, xu hướng khuyến khích xã hội hóa, các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng và các công nghệ trải nghiệm như AR và VR - thu hút người tiêu dùng vào một thế giới mà họ vừa có thể mua sắm vừa có thể giải trí, trải nghiệm.

Có thể nói, những xu hướng phát triển trên là vô cùng thú vị. Nhưng để nắm bắt cơ hội thành công, điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp phải có là kỹ năng kỹ thuật số. Chỉ có 33,7% doanh nghiệp ở Châu Á là có website. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thừa nhận rằng, việc thiếu kỹ năng và nền tảng công nghệ số là hai thách thức quan trọng nhất mà họ phải đối mặt trong hành trình chuyển đổi số ngày nay. Ngay cả trong những thương hiệu hàng đầu tại Châu Á, cũng chỉ có 2% doanh nghiệp đang nhận ra được những tiềm năng đầy đủ của Digital Marketing.

Để có thể hiểu và chia sẻ về những lợi ích của công nghệ, người dùng cần có kỹ năng tham gia. Google đang đầu tư vào các công cụ miễn phí như Phát triển cùng Google (Grow with Google), cũng như hợp tác với chính quyền địa phương và các tổ chức cùng chí hướng để tổ chức nên các chương trình đào tạo tại địa phương như Skills Ignition SG ở Singapore (chương trình đào tạo những kỹ năng cần có cho một tương lai số, thông qua đào tạo nghề và đào tạo trong công việc) hay chương trình Khám phá Tài năng Số (Digital Talent Exploration program) ở Đài Loan. Các công ty như Lazada LinkedIn cũng đang cung cấp các khóa học để giúp mọi người trang bị thêm các kỹ năng số cần thiết, phục vụ cho một tương lai số hóa cực kỳ bùng nổ.

Khóa học đào tạo do LinkedIn cung cấp (Ảnh: LinkedIn)

Giáo dục cho thế hệ tiếp theo

Tác động của đại dịch lên lĩnh vực giáo dục và sự phát triển của thế hệ tiếp theo là đặc biệt đáng quan tâm. Gần 1,5 tỷ người đang đi học (chiếm ~ 91% dân số học sinh, sinh viên trên thế giới) đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ở những mức độ khác nhau. Học sinh đến từ các gia đình có thu nhập cao có tỷ lệ bỏ học là 14%, trong khi đó, học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp là 31%. Ngoài ra, chỉ có 6% trẻ em trong độ tuổi đi học ở các nước có thu nhập thấp là có thể truy cập Internet tại nhà và nhiều người phụ thuộc vào các phương tiện truyền hình để học từ xa, điều này kém hiệu quả hơn so với học qua các nền tảng trực tuyến.

Các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã làm rất nhiều cách để tối ưu hóa hiệu quả việc giảng dạy và học tập online, đồng thời cố gắng thích ứng nhanh nhất với những hạn chế của môi trường học tập ảo. Nhưng cho dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với những hệ lụy lâu dài của việc nghỉ học quá nhiều. Một bài báo gần đây đã ước tính rằng, việc nghỉ học 4 tháng có thể làm mất 2,6% thu nhập cả đời của những người làm giáo dục, tương đương với 61% GDP hiện tại ở các nước thu nhập thấp. Hậu quả của sự gián đoạn này còn kéo dài trong tương lai, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc cải thiện mối quan hệ đối tác giữa các trường công và trường tư, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các thiết bị kỹ thuật số và kết nối Internet.

Ví dụ trong thời gian vừa qua, Google APAC đã hợp tác với các chính quyền địa phương để hỗ trợ cho 50 triệu học sinh trên khắp Châu Á Thái Bình Dương các tài nguyên học tập như Teach from Anywhere và các sản phẩm như Google Classroom. Tại Nhật Bản, chúng tôi đang trang bị Chromebook cho 4 triệu học sinh từ lớp 1-9 và quyền truy cập vào Google for Education thông qua Gói trường học GIGA (Global and Innovation Gateway for All). Ngoài các biện pháp khắc phục ngắn hạn, chúng tôi cũng đang cân nhắc những phương án phát triển cho tương lai của giáo dục thông qua các sáng kiến ​​như Trường học ở mọi nơi (The Anywhere School), hợp tác với giáo viên, phụ huynh và học sinh để thiết kế lại trải nghiệm giáo dục tốt hơn – trực tuyến, trực tiếp hoặc cả hai.

Bảo vệ hành tinh của chúng ta

Không có gì ngạc nhiên khi hành tinh sống của chúng ta đang ngày càng bị đe dọa. Dù lượng khí thải năm 2020 đã giảm xuống 7% do những hạn chế đi lại và hoạt động công nghiệp, nhưng đây vẫn được coi là một năm nóng nhất trong lịch sử. Và theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, 1% dân số toàn cầu giàu nhất trên thế giới phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải nhiều hơn 50% dân số nghèo nhất. Tuy nhiên, những người dễ phải chịu tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu chính là các cộng đồng có thu nhập thấp.

Dự kiến ​​có tới 200 triệu người sẽ phải sống trong những khu vực có thể trải qua những đợt nắng nóng gây chết người và họ có thể mất tới 30% thời gian làm việc do nhiệt độ trong tăng quá cao. Những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đã gây ra trong năm nay có thể kể đến như: thảm họa cháy rừng ở Úc phá hủy hơn 18 triệu ha đất hay sự tấn công của cơn bão ở Philippines đã ảnh hưởng đến gần 1 triệu người.

Giống như đại dịch, biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu chỉ có thể được giải quyết được bằng hành động tập thể. COVID-19 đã dạy cho chúng ta những bài học đắt giá và quan trọng về việc tin tưởng các chuyên gia, tập trung vào phòng ngừa và học cách hợp tác – giữa các quốc gia và các ngành – để giải quyết các rủi ro hiện hữu. Cơ hội để ngăn chặn thảm họa khí hậu xảy ra đang ngày càng nhỏ đi và điều cần thiết là các tổ chức lớn như Google phải cho thấy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Năm nay, Google đã loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có khả năng thải khí carbon ra môi trường và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp không carbon 100% vào năm 2030, nhưng tất nhiên, chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Các mục tiêu quốc gia được gia hạn tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước về tham vọng khí hậu đã cho thấy sự lạc quan về một tương lai không xa và chúng tôi cần sự đồng lòng của nhiều công ty hơn trong chiến dịch “xanh hóa” hành tinh này, đặc biệt là các công ty hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân và công cộng để đẩy nhanh con đường hướng tới một tương lai không có carbon.

Kết

Khoảng cách kỹ thuật số hay biến đổi khí hậu đều là những thách thức rất lớn và khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trên chặng đường phía trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cơ hội để suy nghĩ lại và đưa ra các giả định cốt lõi về cách thức vận hành của thế giới. Đây là cơ hội mà chúng ta không thể bỏ qua hay lãng phí. Tạo ra sự hợp tác sâu rộng giữa các doanh nghiệp công, tư và các tổ chức phi lợi nhuận trên nhiều phương diện khác nhau để thúc đẩy sự thay đổi hữu hình cho thế hệ tiếp theo. Năm 2020 đã nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh chung với những vấn đề chung, và chúng ta đã thấy rõ thế nào tiềm năng của nhân loại với lòng nhân ái, sự sáng tạo và sự cộng tác hết mình cũng như sức mạnh của kỹ thuật số để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho ngày mai.

Tô Linh - MarketingAI

Theo ThinkwithGoogle

>> Có thể bạn quan tâm: Tiêu điểm Digital Marketing năm 2021: Các xu hướng nổi bật và cách triển khai

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.