Facebook và Chính phủ Úc bắt tay làm hòa, khôi phục các trang tin tức

24 Thg 02

Facebook đã đồng ý khôi phục lại các trang Fanpage của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản tin tức Úc trên nền tảng của mình sau khi Chính phủ Úc bổ sung một số sửa đổi mới cho dự thảo Bộ luật Thương lượng Truyền thông, về cơ bản sẽ cho Facebook thêm thời gian hòa giải 2 tháng để đàm phán các thỏa thuận riêng biệt với các nhà xuất bản, mở đường cho việc ra mắt tab Facebook News trong khu vực.

Facebook giải thích rằng: “Chúng tôi rất vui vì đã có thể đạt được thỏa thuận với chính phủ Úc Sau khi thảo luận thêm, chúng tôi cảm thấy hài lòng khi chính phủ Úc đã chấp nhận một số thay đổi và đảm bảo sẽ giải quyết các mối lo ngại chính của cả hai thông qua việc xem xét các thỏa thuận thương mại giữa chúng tôi và các cơ quan báo chí trước khi đưa ra quyết định chính thức. Theo đó, thảo luận thương mại trên sẽ phải nhìn nhận đúng những lợi ích mà nền tảng chúng tôi cung cấp cho các nhà xuất bản cũng như giá trị mà chúng tôi nhận được từ họ."

Như vậy, Chính phủ Úc đã thực hiện bốn sửa đổi đối với dự luật đề xuất của mình, điều này có nghĩa là nếu dự luật được thông qua, Facebook sẽ buộc phải trả tiền cho các cơ quan báo chí của Úc đối với bất kỳ liên kết nào dẫn đến nội dung của họ được đăng trên nền tảng. Nhưng sự bổ sung quan trọng nhất được đề cập trong chú ý dưới đây: 

"Quyết định chỉ định một nền tảng nào đó phải tuân theo các quy định trong dự luật phải dựa trên những tiêu chí xem rằng liệu nền tảng kỹ thuật số đó có đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tin tức Úc hay không. Và điều này cũng sẽ được đánh giá dựa trên việc nền tảng đó có đạt được thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp truyền thông tin tức trong nước không.”

Các sửa đổi cũng lưu ý rằng, Chính phủ sẽ có một tháng để đánh giá toàn bộ các nhà xuất bản tin tức trong nước và trong vòng một tháng đó, họ sẽ phải đưa ra thông báo trước cho các nhà xuất bản xem rằng nhà xuất bản nào có đủ điều kiện tham gia vào dự luật; sau đó, Facebook sẽ có hai tháng để đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản trên trước khi buộc phải phân xử về một thỏa thuận thanh toán trả phí. 

Nói cách khác, Facebook hiện có hai tháng để thiết lập một mức thỏa thuận thương mại thỏa đáng với các nhà xuất bản tin tức của Úc trước khi Chính phủ quyết định liệu các thỏa thuận ấy có đủ ''quan trọng'' để Facebook né tránh việc thực thi theo quy tắc dự luật hay không.

Lưu ý cuối cùng giải thích rằng dự luật:

"... sẽ chỉ áp dụng cho các nền tảng kỹ thuật số đang cung cấp các nội dung tin tức có sẵn và bao phủ khắp các dịch vụ của nền tảng."

Điều này đã chỉ ra những thay đổi trong dự luật mà Chính phủ đã làm để can thiệp sâu hơn vào các bài đăng của người dùng trên Facebook và nội dung do chính Facebook cung cấp.

Mặc dù những vấn đề như Facebook phải trả bao nhiêu tiền và có bao nhiêu nhóm truyền thông trong nước sẽ được phép thiết lập thỏa thuận thương mại với Facebook vẫn chưa rõ ràng, nhưng trước mắt, 4 sửa đổi rõ ràng trên là đủ để Facebook khôi phục nội dung tin tức trên nền tảng, với góc nhìn lạc quan về một con đường phía trước.

>> Xem thêm: Xoay quanh lệnh cấm tin tức của Facebook tại Úc và ý nghĩa của nó với nền tảng này trong tương lai

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Facebook tiến hành các thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản tin tức của Úc. Trở lại năm 2019, Facebook đã ký thỏa thuận với một loạt các đài truyền hình trong nước để tạo điều kiện phát sóng độc quyền nội dung Facebook Watch, đồng thời thiết lập quan hệ với một số ấn phẩm truyền thông trực tuyến và đang có kế hoạch đầu tư “hàng triệu USD nữa” vào lĩnh vực tin tức trong nước bằng cách đưa tab Facebook News vào trong hoạt động trên toàn quốc. Facebook đã loại bỏ kế hoạch đó khi Chính phủ Úc liên tục gia tăng áp lực và đưa ra các quy định “hà khắc” trong dự luật, tận dụng truyền thông để đẩy vấn đề dự luật lên cao, nhưng giờ đây, dựa trên những sửa đổi mới này, điều mà Facebook mong muốn dường như sắp xảy ra.

Sự thay đổi này về cơ bản sẽ cho phép nội dung tin tức tiếp tục được xuất hiện trên Facebook, và Facebook sẽ thiết lập các khoản thanh toán riêng biệt với các nhà xuất bản tin tức riêng lẻ, tương tự như cách mà Google tiếp cận và cắt giảm các giao dịch cho sản phẩm News Showcase của mình. 

Facebook đã thực hiện phong tỏa hoàn toàn tất cả các nhà xuất bản tin tức ở Úc vào tuần trước sau khi các cuộc đàm phán với Chính phủ nước này diễn ra không thành công. Sau khi liên tục nói với Chính phủ và các cơ quan trong ngành rằng họ không cần các nội dung tin tức do cơ quan báo chí Úc cung cấp thì Facebook đã mạnh mẽ tuyên bố rằng họ sẽ không trả một đồng tiền nào cho các nhà xuất bản nước này, đồng thời ban hành một lệnh cấm hoàn toàn, không chỉ đối với các nhà xuất bản tin tức, mà còn với các trang Fanpage của Chính phủ, các tổ chức nghệ thuật, cơ quan y tế,... 

Động thái này của Facebook đã gây ra những tác động không nhỏ, đáng chú ý là một số nhà xuất bản Úc đã báo cáo lượng traffic truy cập vào trang web của họ đã giảm 50%.

Điều đó có thể gây áp lực trở lại đối với Chính phủ Australia trong việc đưa ra kế hoạch giải quyết tình hình, nhằm tránh các tác động kinh tế thêm nữa. Bởi nếu như các nhà xuất bản lớn hơn có thể tự xử lý sự sụt giảm về lưu lượng truy cập giới thiệu, thì các tổ chức tin tức nhỏ hơn, phụ thuộc vào Facebook nhiều hơn lại không hề dễ dàng như vậy. Lệnh cấm của Facebook về cơ bản đã làm ngưng trệ mọi hoạt động của họ trong tuần trước.

Theo ý của Facebook thì dường như những sửa đổi này vẫn chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của quá trình đàm phán giữa hai bên, nhưng ít nhất nó cũng mở ra một số thay đổi nhất định và có “đường” để Facebook tìm cách phản đối kế hoạch đầu tư vào truyền thông trong nước của mình.

Vậy ai là người chiến thắng ở đây?

Thật sự là chưa có ai hết. Hãy cùng nhìn lại sự việc một chút. Đầu tiên, Chính phủ Úc đưa ra dự luật này và nhận phải sự phản đối kịch liệt từ phía Facebook. Mạng xã hội này thậm chí còn không chịu ngồi vào bàn đàm phán để hai bên cùng đưa ra hướng giải quyết cuối cùng khiến cho Chính phủ Úc bức xúc và cho rằng Facebook đã quá ngạo mạn, và những gì họ làm trong dự luật này chỉ là hành vi tự bảo vệ mình trước một tổ chức quá quyền lực như Facebook (và Google) đang đối xử bất công với họ. Nhưng sau đó, Facebook lại bày tỏ mong muốn làm hòa và ủng hộ sự trao đổi kỹ càng hơn giữa hai bên. Và vì vậy, nhiều người cho rằng Chính phủ cần phải đưa ra một thỏa hiệp để giữ thể diện nếu không muốn mất chỗ đứng và bị đánh giá là “quá hà khắc”. Đó là lý do cho sự ra đời của 4 sửa đổi trên. 

Trên thực tế, nếu Facebook từ chối trả tiền thì về cơ bản, Chính phủ không thể tạo ra những sửa đổi trên và phía Facebook cũng sẵn sàng chặn mọi nội dung tin tức hoàn toàn. Vì vậy, thay vì mất hàng triệu đô đầu tư tiềm năng, nhiều người nghi ngờ rằng Chính phủ sẽ điều chỉnh lại sự xuất hiện của Facebook News - nhiều khả năng sẽ được công bố vào một thời điểm nào đó trong vài tuần tới, và coi đó như một chiến thắng trong công cuộc đấu tranh để giành lấy sự tồn tại và quyền lợi cho các cơ quan báo chí trong nước.

Nhưng nếu nói là chiến thắng thì có vẻ không đúng cho lắm, vì Facebook đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ dành ra nhiều khoản đầu tư cho Facebook News nên nếu Chính phủ Úc cho phép tính năng này được phép hoạt động tại quốc gia mình thì chẳng có gì là chiến thắng ở đây hết.

Có vẻ như kết quả cuối cùng sẽ là người dùng Facebook thường xuyên ở Úc sẽ trở lại dùng mạng xã hội này như bình thường, còn các nhà xuất bản tin tức trong nước sẽ tìm cách tiếp cận nguồn đầu tư bổ sung thông qua các giao dịch được đăng trên Facebook News. Điều đó mang lại cho các cơ quan báo chí trong nước thêm một số tiền và giữ cho mọi thứ tiếp tục hoạt động - mặc dù ở thời điểm ban đầu, như đã được nhiều nhà phân tích lưu ý, động lực thúc đẩy hành vi này của Chính phủ Úc dường như đến từ những tập đoàn đa quốc gia lớn của nước này (ví dụ như News Corp), với chủ đích là cố tình gây áp lực để siết chặt hoạt động của các nền tảng công nghệ, khiến cho họ buộc phải nhượng bộ và chi thêm tiền.

Kết

Tóm lại thì, Chính phủ cần báo chí ủng hộ họ để có thể thuận lợi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, trong khi các nhà xuất bản tin tức thì muốn nhiều tiền hơn. Một kế hoạch dường như đòi quyền lợi cho các tổ chức truyền thông trong nước nói chung thì ít mà mang mục đích chính trị thì nhiều. Hy vọng rằng, sau tất cả thì các các cơ quan tin tức nhỏ hơn cũng có thể giành chiến thắng và nhận được quyền lợi nhất định trong lần đàm phán cuối cùng này. Được biết, các trang tin tức của Úc sẽ được khôi phục trong những ngày tới.     

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: Doanh thu Google tăng ghi nhận sự phục hồi trong ngân sách quảng cáo toàn cầu
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.