Nghiên cứu cho thấy người nổi tiếng là tác nhân chính cho việc lan truyền tin tức sai sự thật về Covid-19

20 Thg 04

Mới đây, Reuters Institute vừa công bố một nghiên cứu hữu ích nhưng lại gây khá shock cho mọi người. Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra các chính trị gia và người nổi tiếng là những tác nhân chính trong việc lan truyền những thông tin sai sự thật liên quan tới Covid-19 trên mạng xã hội. Dù cho những khía cạnh nội dung trong bài chia sẻ của họ là rất nhỏ.

Phía Reuters đã thực hiện nghiên cứu này trên 225 bài đăng mạng xã hội được đăng tải từ tháng 1 đến tháng 3, tất cả những nội dung này đều đã kiểm duyệt và ghi nhận “sai sự thật” hoặc “gây hiểu nhầm”. Dựa trên nguồn dữ liệu này, các nhà nghiên cứu sẽ khám phá ra cách lan truyền của những thông tin này trên mạng xã hội, dạng thông tin sai lệch nào đang được chia sẻ, cũng như tìm hiểu về động thái phản hồi của chính nền tảng mạng xã hội đó.

Sau khi nghiên cứu những dữ liệu đó, kết quả đã cho ra như sau: Đầu tiên, phía đội ngũ Reuters đã phát hiện dạng thông tin sai lệch về Covid-19 được chia sẻ nhiều nhất là “sửa đổi” lại nội dung, hay nói dễ hiểu hơn là bóp méo sự thật. Dạng thông tin này trái ngược với một lời nói dối hoặc hiểu lầm hoàn toàn. Để giúp bạn đọc hiểu chính xác hơn, dưới đây là ví dụ về một nội dung bị “sửa đổi” được Reuters đưa ra một bài đăng được chia sẻ rất rộng rãi đã đưa ra lời khuyên y tế từ một người không rõ ràng, kết hợp cả thông tin chính xác và không chính xác về cách điều trị và ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong số các lời khuyên, có những thông tin đúng như thường xuyên rửa tay tuy nhiên cũng có những thông tin sai lệch. Điển hình là việc tuyên bố loại virus mới này không thể chịu đựng được nhiệt độ và sẽ bị giết ở nhiệt độ từ 26/27 độ C trở lên. Loại virus này đúng là không sống được dưới mặt trời và nhiệt độ cao, dù vậy 27 độ C là chưa đủ để giết được con virus. Reuters cũng bổ sung thêm là những nội dung sai sự thật, ví dụ như các hình ảnh bị gắn nhãn mà không mang ý nghĩa đúng, cũng được liệt vào “nội dung bị sửa đổi”.

Nhìn vào biểu đồ thống kê ở trên, những thông tin và nội dung bị sửa đổi chiếm tới 59% trên tổng số thông tin sai sự thật được chia sẻ, còn nội dung bịa đặt chiếm 38%. Tuy vậy, nhìn mặt khác thì điều này vẫn chưa phải quá nguy hiểm khi dạng thông tin này cũng chưa gây hại quá nhiều. Dù vậy, nhìn mặt khác thì những nội dung bịa đặt hoàn toàn cũng chiếm tới 38% trên tổng số bài đăng được nghiên cứu. Những bài đăng này có chủ ý, tập trung vào việc chia sẻ thông tin sai lệch, gây hiểu lầm và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nền tảng mạng xã hội hiện đang tăng cường nỗ lực để loại bỏ các bài đăng như này.

Khi xét về khía cạnh những thông tin sai lệch này đã được chia sẻ như nào, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những người dùng có sức ảnh hưởng lớn đã đóng vai trò lớn trong việc xác nhận và truyền tải những thông tin này. Rất nhiều người nổi tiếng, chính trị gia đều đã chia sẻ lại những giả thuyết vô căn cứ hay các thông tin sai lệch. Ví dụ như dưới đây:

Diễn viên Woody Harrelson gần đây vừa chia sẻ một bài đăng đề cập đến giả thuyết vô căn cứ về việc các tháp sóng 5G góp phần vào sự lây lan của virus Covid-19. Hậu quả là gì? Rất nhiều người dân tại Anh đã tìm đến các tháp này để "xả giận".

Trong Influencer Marketing, tầm ảnh hưởng và chỗ đứng của những nhân vật công cộng này khuếch đại đáng kể thông điệp của họ. Do đó, nhóm Reuters phát hiện ra rằng các bài đăng từ người nổi tiếng chiếm tới 69% tổng số lượt tương tác với các báo cáo sai lệch.

Cũng trong thống kê đó, những người dùng này chỉ đóng góp vào 20% tổng số bài đăng sai sự thật. Những dữ liệu trên đã càng chứng minh về sức mạnh của những Influencer và người nổi tiếng trong việc lan truyền thông tin. Những lời nói của họ đều có trọng lượng nhất định và dù rằng có một vài bài đăng trong đó đến từ các chính trị gia. Một hướng đi khả thi trong trường hợp này chính là các tổ chức y tế, nhà chức trách cần trao đổi với những người nổi tiếng để giải thích, giúp họ hiểu đúng nội dung thông tin và nhờ họ lan truyền những thông tin đúng sự thật.  

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra ở đây: Các nền tảng mạng xã hội có động thái gì về việc này? Đội ngũ Reuters cũng đã tìm hiểu về cách các nền tảng tiếp cận và xử lý về vấn đề thông tin sai lệch, cũng như hạn chế lượng tiếp cận của chúng. Cụ thể sẽ được thể hiện ở biểu đồ dưới đây:

Từ biểu đồ trên, ta có thể thấy sự khác biệt khá lớn giữa các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Trên Twitter, vẫn còn tới 59% bài đăng sai sự thật và chưa bị gắn nhãn cảnh báo trực tiếp, con số này ở YouTube và Facebook là 27% và 24%. Có thể thấy, cho đến hiện tại thì Twitter đang là nền tảng mạng xã hội xử lý kém nhất về vấn đề thông tin sai lệch này. Reuters đã giải thích rằng một phần của vấn đề này đến từ lập trường của Twitter về việc hành động quyết liệt trước các tweet từ các nhà lãnh đạo chính trị. Phía Reuters cũng đưa ra khuyến nghị về cách giải quyết vấn đề, cụ thể là các nền tảng mạng xã hội và cơ quan báo chí cần có lập trường mạnh mẽ để chống lại vấn đề này. Tuy nhiên, điều này có thể đi kèm rủi ro ở một mức độ nào đó.

>> Xem thêm: Facebook ra mắt bản đồ theo dõi vị trí người dùng, dự báo sự lây lan của Covid-19

Tạm kết

Chính từ vấn đề về sai lệch sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, ta có thể thấy điều đó chỉ ra vấn đề nan giải mà Twitter và Facebook phải đối mặt đáng chú ý nhất trong việc kiểm duyệt phát ngôn chính trị. Thông tin sai lệch vốn đã là một thứ nguy hiểm cần phải ngăn ngừa, nay mạng xã hội lại trở thành công cụ để người nổi tiếng, các chính trị gia, những người có sức ảnh hưởng truyền đạt, chia sẻ nội dung thông tin. Điều này đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng mà các nền tảng mạng xã hội cần có biện pháp cứng rắn hơn để xử lý. Liệu các nền tảng mạng xã hội có thể xây dựng được lập trường dứt khoát trước vấn đề này hay không?

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.