Tại sao Lalamove lại đầu tư vào OOH và DOOH trong thời kỳ “lockdown” tại Malaysia?

22 Thg 03

Khi các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, các nhà tiếp thị cần phải nhanh chóng và linh hoạt trong việc ứng biến với các chiến lược để tối đa hóa hiệu suất và ngân sách dành cho quảng cáo ngoài trời và kỹ thuật số của họ. Một trong những thương hiệu đã và đang làm rất tốt việc tận dụng tối đa ngân sách dành cho OOH và DOOH chính là Lalamove - thương hiệu chuyển phát nhanh trong ngày có trụ sở tại Malaysia. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu về chiến lược mà Lalamove đã áp dụng nhé. 

Đã gần một năm kể từ khi Malaysia ban hành Lệnh kiểm soát di chuyển có điều kiện (CMCO) trên toàn quốc gia này, với nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19. Lệnh cấm được áp dụng cho một loạt các hoạt động, bao gồm cả các cuộc tụ tập đông người và việc đi lại giữa các bang. Đối với riêng ngành quảng cáo, toàn bộ các địa điểm hấp dẫn trong các thành phố lớn đã trở thành thị trấn ma và hầu hết các thương hiệu đều tập trung vào việc tiếp thị trên các thiết bị cá nhân và tại nhà, nơi công chúng đang dành nhiều thời gian hơn.

Nếu như ở Trung Quốc, các hạn chế đi lại đã khiến các thương hiệu buộc phải siết chặt ngân sách quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo ở định dạng non-digital, thì ở Malaysia, lệnh cấm này lại không nghiêm ngặt như thế, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành quảng cáo nơi đây đạt được sự thành công. 

Đối với nền tảng giao hàng theo yêu cầu Lalamove tại Malaysia, thời kỳ CMCO là thời điểm thích hợp để họ bắt đầu đầu tư vào các phương tiện truyền thông quảng cáo ngoài trời, bao gồm cả định dạng truyền thống và định dạng digital. Rajiv Rai Singh, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Lalamove tại Malaysia và Singapore đã chia sẻ với The Drum rằng, thương hiệu này có thể tận dụng mức giá giảm trên các trang OOH và DOOH.

(Ảnh: Internet)

Quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số đang có sự chuyển biến đáng kể trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với ngân sách dự kiến ​​sẽ tăng hơn 18% mỗi năm cho đến năm 2026. Sự tăng trưởng này được cho là được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng phát triển, sự phân bố dày đặc của màn hình kỹ thuật số và các công nghệ được kết nối tạo điều kiện cho các thương hiệu .

“Là một công ty chuyển phát nhanh trên nền tảng công nghệ, chúng tôi hiểu mình cần phải có một lượng dữ liệu địa lý lớn để mở rộng quy mô và dịch vụ giao hàng của mình đến nhiều khu vực hơn. Việc sử dụng các dữ liệu này giúp chúng tôi xác định được những nơi mà thương hiệu chưa kịp đặt chân đến nhiều, từ đó xây dựng một chiến lược nhận diện thương hiệu cho các khu vực này”, Singh giải thích.

Quảng cáo ngoài trời của Lalamove tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

“Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng nền tảng của AdEasy để khám phá nhiều nội dung truyền thông khác nhau và xác định những nội dung đáp ứng được các tiêu chí mà chúng tôi đề ra. Điều này giúp cho việc lập kế hoạch trở nên dễ dàng hơn. Khi càng nhiều người ở nhà và online hơn, chúng tôi cần duy trì độ phủ mạnh mẽ trên các nền tảng trực tuyến, vì vậy chúng tôi tập trung vào SEM, mạng xã hội, quảng cáo, hiển thị trực tuyến và PR.”

Ông tiếp tục: “Trong khi hầu hết các thương hiệu khác đồng loạt rút vốn sn ra khỏi các chiến dịch thì chúng tôi lại coi đây là một cơ hội để có thoả thuận được mức giá thấp hơn và tần suất hoặc thời gian sử dụng thiết bị cao hơn cùng một lúc. Điều quan trọng là bạn phải tính toán được thời gian và địa điểm thích hợp để triển khai các chiến dịch này khi lưu lượng truy cập bắt đầu tăng trở lại. Để tiến thêm một bước nữa, chúng tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định các nội dung truyền thông bị định giá thấp để tăng cường đầu tư ngân sách vào đó hơn nữa.”

Melissa Sim, CEO & Co-founder của agency OOH marketplace AdEasy cho biết họ có thể hỗ trợ Lalamove trong việc cung cấp một lượng lớn các vị trí đặt biển quảng cáo phù hợp trong một khoảng thời gian ngắn.

“Lalamove là một minh chứng tiêu biểu cho một công ty có khả năng biến nguy thành cơ. Trong khi hầu hết các công ty đều phản ứng gay gắt vì sự xuất hiện của đại dịch vào năm ngoái, Lalamove đã giảm gấp đôi ngân sách quảng cáo để đầu tư vào tăng cường nhận diện thương hiệu, điều này giúp cho họ trở thành một trong những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực logistics”, bà nói.

“Bạn có thể nhìn thấy biển quảng cáo của Lalamove ở khắp mọi nơi trong Thung lũng Klang. Sự thành công của họ ở thời điểm hiện tại đã tự nói lên điều đó khi bạn nghe mọi người nói rằng “Tôi sẽ để Lalamove chuyển nó tới cho bạn”.”

Ngân sách quảng cáo dành cho quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số tại Malaysia 4 năm qua (Ảnh: Marketing Interactive)

Ngoài ra, việc đầu tư vào OOH và DOOH trong thời kỳ MCO là một cơ hội để Lalamove có thể hỗ trợ cộng đồng của mình và cung cấp cho họ những dịch vụ cần thiết trong bối cảnh khó khăn. “Nước đi” này đã giúp ​​Lalamove ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn mà rất nhiều doanh nghiệp gặp nguy. 

Singh cho biết: “Chúng tôi coi đây là cơ hội để Lalamove định vị bản thân mình là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này, vì vậy, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để đảm bảo vị trí “top of mind” trong lòng khách hàng, trên nhiều kênh tiếp thị và ở mọi giai đoạn của hành trình mua hàng.”

“Người tiêu dùng đã quen với hình thức giao hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn nên chúng tôi kỳ vọng Lalamove sẽ tiếp tục phát triển. Bước tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục xây dựng độ nhận diện thương hiệu và chiếm được lòng tin của đa số người tiêu dùng.”

Không chỉ Lalamove mà Foodpanda, thương hiệu dịch vụ đặt thức ăn nhanh trực tuyến có mặt tại 27 quốc gia trên thế giới cũng đã từng đầu tư vào DOOH media trên khắp các quốc gia thuộc Đông Nam Á để đối phó với sự cạnh tranh lớn giữa các ứng dụng đang được sử dụng hàng ngày như Grab - cái tên đang hướng tới mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng.

Foodpanda đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm với nền tảng blockchain Aqilliz và công ty công nghệ quảng cáo Moving Walls để chuẩn bị sẵn sàng cho một tuyên bố hùng hồn rằng “đây sẽ là quảng cáo DOOH đầu tiên trên thế giới được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain”.

Foodpanda hợp tác với nền tảng blockchain Aqilliz và công ty công nghệ quảng cáo Moving Walls để cho ra mắt quảng cáo DOOH đầu tiên trên thế giới được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain (Ảnh: Internet)

Kết Các lệnh giới nghiêm trong thời kỳ COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp e ngại và đồng loạt thoái vốn khỏi các chiến dịch quảng cáo ngoài trời. Đi ngược lại với quan điểm đó, Lalamove đã tận dụng tốt thời điểm này để có được mức phí thuê thấp và tiếp cận đến nhiều người dùng ở các khu vực hơn. Đáng kinh ngạc là thương hiệu này đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn này. Điều này càng chứng minh rằng Lalamove là ví dụ tiêu biểu cho một thương hiệu biến nguy thành cơ.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: OOH: Nạn nhân hay tấm gương cho các kênh truyền thông khác thời COVID-19?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.